Vì sao mâm ô tô thường được gắn cục chì?

Admin
Ô tô sau khi thay lốp mới hoặc sử dụng lâu ngày cần phải thực hiện việc cân mâm và gắn chì để đảm bảo hiệu suất vận hành.
Nếu từng nhìn thấy mặt trong của mâm ôtô, nhiều người sẽ thắc mắc vì sao mâm được gắn những miếng kim loại hình chữ nhật hoặc hình vuông. Trang bị này được gọi là cục chì, hỗ trợ cho mâm xe được cân bằng và ổn định hơn khi quay.
Quá trình chế tạo mâm xe ngày nay cho độ chính xác khá cao, tuy nhiên không phải tuyệt đối. Mâm vẫn có độ lệch nhất định về sự phân bổ khối lượng, điều này cũng xảy ra tương tự với lốp xe.
 
Khi chạy ở tốc độ cao, việc mất ổn định của lốp và mâm sẽ khiến cho cảm giác lái bị ảnh hưởng, đồng thời gây hao mòn hệ thống treo cũng như lốp nhiều hơn. Để khắc phục điều này, người ta sẽ gắn thêm các cục chì giúp mâm cân bằng hơn, việc làm này gọi là cân bằng động cho bánh xe.
Thiết bị cân bằng động cho bánh xe. 
 
Hiện tại trên thị trường có 2 loại chì gắn vào mâm, đó là chì dán và chì đóng. Thông thường các mẫu xe gia đình thường sử dùng loại chì dán gắn mặt trong của mâm để đảm bảo tính thẩm mỹ, trong khi các mẫu xe tải hay xe dịch vụ sẽ gắn loại chì đóng.
 
Khi xe có những hiện tượng như vô lăng bị rung lắc khi sử dụng hay lốp có dấu hiệu mòn không đều, cần cân nhắc mang xe đến các cửa hàng được trang bị máy cân bằng động để kiểm tra.
 
Chi phí cân bằng động cho bánh xe khá rẻ, dao động 50.000-100.000 đồng tùy theo kích cỡ mâm. Theo Bridgestone Việt Nam, người dùng nên mang xe đi cân bằng động trong 3 trường hợp là khi thay lốp mới, sau khi vá lốp và định kỳ 3-6 tháng/lần hoặc khoảng 10.000 km.