Tăng thuế nhập khẩu ô tô: Người muốn, kẻ không!

Admin
Trước dự báo quý 4/2009, nhập siêu có thể tăng cao, nhiều mặt hàng trong đó có ô tô đang được đề xuất tăng thuế nhằm hạn chế nhập khẩu.

Bộ Công Thương vừa có công văn số 183 xin ý kiến các bên cho dự thảo báo cáo Chính phủ biện pháp kiềm chế nhập siêu từ nay tới cuối năm. Cơ quan này nêu rõ nhập khẩu đang có xu hướng tăng mạnh trở lại, trong khi xuất khẩu hầu như không tăng, dẫn đến nhập siêu tháng 7 và 8 vào khoảng ba tỷ USD, bằng 144 phần trăm tổng nhập siêu 6 tháng đầu năm.

Nhằm kiểm soát nhập siêu, Bộ Công Thương vừa đề xuấttăng thuế nhập khẩu ôtô chở người dưới 15 chỗ từ 81 phần trăm lên 91 phần trăm, ngoài ra còn đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động.

Việc điều chỉnh thuế suất đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc, theo Bộ Công Thương, có thể góp phần kiểm soát nhập siêu ở mức 20 phần trăm trên tổng kim ngạch nhập khẩu.

Ngoài việc điều chỉnh thuế, cơ quan này cũng cho rằng nên sớm bãi bỏ biện pháp kích cầu đối với ôtô nguyên chiếc từ 15 chỗ ngồi trở xuống, nghĩa là không tiếp tục chính sách giảm 50 phần trăm thuế giá trị gia tăng (VAT) và 50 phần trăm phí trước bạ.

Trước đề xuất của Bộ Công Thương, trong bản góp ý kiến, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho rằng chưa nên bàn chuyện tăng thuế đối với ôtô chở người lúc này, vì đây là mặt hàng nhạy cảm. Theo Vụ này, hiện thuế nhập khẩu với dòng xe nguyên chiếc loại dưới 15 chỗ ngồi trở xuống thấp hơn mức cam kết trong WTO (91 phần trăm), song mức thuế suất 83 phần trăm hiện tại vẫn là khá cao...

Về đề xuất sớm bãi bỏ ưu đãi giảm 50 phần trăm VAT và 50 phần trăm thuế trước bạ đối với ôtô nguyên chiếc từ 15 chỗ ngồi trở xuống, Vụ Chính sách Thuế cho rằng, cần phải báo cáo Chính phủ để sửa đổi. Tuy nhiên, việc này cần một thời gian nhất định, trong khi thời gian thực hiện ưu đãi không còn nhiều (31/12/2009) nên chắc chắn hiệu quả không cao. Chưa kể làm không tốt còn ảnh hưởng đến tâm lý.

Số người dân sở hữu ô tô đang tăng nhanh. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cân nhắc lợi ích “ba bề, bốn bên”

Trả lời Tiền Phong Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự ủng hộ cao đối với đề xuất tăng thuế của Bộ Công Thương.

Nhập khẩu linh kiện gây nhập siêu hơn xe nguyên chiếc

Theo Tổng cục Thống kê, tám tháng năm 2009, số lượng ôtô nhập khẩu là khoảng 39.000 xe - tương ứng 107 triệu USD (chiếm một nửa là xe dưới 15 chỗ). Cùng đó, tháng 8/2009, linh kiện và phụ tùng NK là 158 triệu USD, nâng tổng kim ngạch NK mặt hàng này tám tháng đầu năm nay lên 935 triệu USD.

Với hơn 10.500 xe của 16 doanh nghiệp VAMA bán ra trong tháng 8 và cả thảy gần 70.000 xe trong tám tháng năm 2009, giới kinh doanh xe cho rằng, nếu so sánh, rõ ràng, phần lớn của nguyên nhân nhập siêu đang thuộc về nhập khẩu linh kiện. 

Trước xu hướng nhập siêu tăng và xuất khẩu có thể âm, thậm chí ông còn nhấn mạnh “việc đánh thuế nên càng sớm càng tốt”. (Ai cũng hiểu, trong lúc này đối với NHNN, việc đảm bảo cán cân thanh toán cũng như giữ ổn định tỷ giá được xem là một trong những mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu, nhất là trong những ngày này, khi thị trường ngoại tệ dù yên ổn nhưng lại tiềm ẩn diễn biến khó lường- PV).

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên, lại nhận định trái ngược: “Nhập siêu hiện tại chưa phải là vấn đề nóng lắm. Đứng, về góc độ kích cầu nên ủng hộ quan điểm giữ nguyên mức thuế hiện tại”- ông Thiên khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, đề nghị tăng thuế xe nhập khẩu dưới 15 chỗ của Bộ Công Thương khiến giới nhập xe tỏ ra bức xúc.

Một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô lớn trên đường Giải Phóng (Hà Nội) phân tích: “Nếu tăng thuế xe nhập khẩu để hạn chế nhập siêu, thì phải công bằng, tính tăng luôn cả thuế linh kiện nhập khẩu cho xe trong nước”. Nói về tác động nếu tăng thuế ông này khẳng định: “Nếu tăng thêm tám phần trăm, giá xe tính tổng thể phải tăng thêm ít nhất vài chục triệu đồng/chiếc”.

Các thành viên Hiệp hội Ô tô Việt Nam (VAMA) như Ford, Toyota, Honda đang trong tình trạng cháy hàng, người mua phải đặt trước từ 3 đến 6 tháng (thậm chí Toyota còn tuyên bố từ chối xe đặt từ nay đến cuối năm vì không đủ lượng xe lắp ráp- PV). Dễ thấy, việc tăng hay không sẽ không mảy may ảnh hưởng đến lợi ích của 16 thành viên VAMA.

Thậm chí, “còn có thể gây ra cơn sốt xe ở thị trường trong nước, khiến người tiêu dùng chịu thiệt do các hãng xe trong nước cũng tận dụng cơ hội”-  đại diện Vụ Chính sách Thuế khẳng định.

Tăng thuế, vì sao người muốn, kẻ không? Đơn giản, chỉ vì lợi ích của ba bề, bốn bên đều đang xung đột. Phán xét cuối cùng sẽ thuộc về Chính phủ, và câu trả lời chắc chắn sẽ đến trong nay mai.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thuế ôtô là câu chuyện dài và đằng sau mỗi lần tăng giảm vẫn còn khá nhiều vấn đề cần mổ xẻ.

Khánh Huyền 

autovina