Sản xuất ô tô đa dụng: Ý tưởng lớn gặp nhau

Admin
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Bộ Công Thương đang có quan điểm “trùng hợp hiếm hoi” về việc sản xuất, lắp ráp các loại ôtô, về mức thuế suất thuế TTĐB cho loại xe từ 6 - 9 chỗ ngồi…
Cách đây ba năm, nếu nhìn vào doanh số bán hàng của VAMA có thể thấy lượng xe đa dụng (từ  6 - 9 chỗ) bao giờ cũng áp đảo so với các dòng xe con (5 chỗ ngồi).
 
Từ thị trường
Theo tính toán sơ bộ thì lượng xe đa dụng bán ra thường chiếm khoảng 70% toàn thị trường. Không chỉ riêng xe được sản xuất, lắp ráp trong nước, mà ngay cả xe nhập khẩu nguyên chiếc, lượng xe đa dụng cũng chiếm một số lượng không nhỏ. Điều này ngược lại với xu hướng tiêu thụ của những năm trước đó chỉ nhắm vào xe con.
 

Zinger - mẫu xe đa dụng mới của Mitsubishi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, mà ba yếu tố được xem quan trọng nhất: Thứ nhất, sự phát triển mạnh, bùng nổ về nhu cầu sử dụng xe ôtô của các gia đình, các Công ty, DN nhỏ. Thứ hai, tính tiện dụng của các sản phẩm xe đa dụng như có thể dùng để đi làm, đi chơi... đều được. Thứ ba, việc các nhà sản xuất trong nước tập trung mạnh vào phân khúc này bằng việc thường xuyên giới thiệu các mẫu xe mới hoặc cải tiến để làm vừa lòng khách hàng. Thứ tư, nếu so sánh về giá thì các loại xe đa dụng nhập khẩu thường đắt hơn nhiều so với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đến sản xuất, lắp ráp
Các chuyên gia khẳng định, việc người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm xe đa dụng là một điều tất yếu, phù hợp với nhiều điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, trong đó có cả hoàn cảnh của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam (Phát triển những loại xe từ dễ đến khó, từ xe thương mại, đến xe du lịch, từ xe đa dụng, phổ thông đến các loại xe con, xe sang...). Không dừng lại ở đó, trong bối cảnh hiện nay, cũng như thời gian dài tới, thị trường xe đa dụng sẽ tiếp tục phát triển, bùng nổ mạnh. Đây thực sự là cơ hội lớn cho sự phát triển của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam và cũng là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp này.
Thực tế cho thấy trong số các thành viên của VAMA hiện nay, ngoại trừ Mercedes – Benz với các dòng xe con hạng sang và Honda mới tham gia thị trường được một thời gian ngắn với mẫu xe con Civic, các liên doanh còn lại đều tập trung mạnh vào lắp ráp, sản xuất các loại xe đa dụng. Cụ thể là Toyota Việt Nam (TMV) với dòng xe Zace trước đây và bây giờ là Innova với sản lượng bán ra hàng tháng khoảng 1.000 xe. Tiếp theo là Ford Việt Nam với dòng sản phẩm Ford Everest... Đây được xem là hai liên doanh thành công nhất về các sản phẩm xe đa dụng tại thị trường Việt Nam. Sự thành công ở đây được xem xét dưới yếu tố lâu dài, nhận được sự chấp thuận của người tiêu dùng, của thị trường. Một số liên doanh khác cũng làm xe đa dụng nhưng không thành công hoặc chỉ “gây sốt” một thời gian ngắn rồi lại thôi như Captiva của GM – Deawoo chẳng hạn...
Các thành viên VAMA là các công ty trong nước khi được hỏi cũng đều đang và có ý định lắp ráp các mẫu xe đa dụng, thay vì phát triển dòng xe con. Đi đầu trong số các thành viên này là công ty Trường Hải với sản phẩm Canival...
Lựa chọn cụ thể
Với xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh của dòng xe này, việc tập trung lắp ráp, sản xuất của một số liên doanh như Toyota, Ford đã mang lại thành công cho họ cả về doanh số lẫn việc tăng cường nội địa hóa. Với sự thành công của Innova, TMV vừa đưa vào hoạt động xưởng sản xuất khung xe đầu tiên tại Việt Nam với số vốn đầu tư 5 triệu USD, sản lượng 21.000 khung/ năm. Với xưởng sản xuất khung xe này, tỷ lệ NĐH của Innova đạt tới 37%, cao nhất trong số các liên doanh và các mẫu xe đang lưu hành tại Việt Nam. Đây được xem như là một “sự kiện” của ngành CN ôtô Việt Nam. Và từ sự kiện đó có thể cho thấy việc lựa chọn, đưa ra quan điểm phù hợp trong lĩnh vực phát triển xe gì, loại nào đối với thị trường và ngành công nghiệp ôtô quan trọng đến mức nào.
 
May mắn là hiện nay, VAMA và Bộ Công Thương đã gặp nhau trong việc phát triển dòng xe đa dụng, cho dù vẫn được xem là muộn. Cụ thể Bộ Công Thương và VAMA đều cho rằng sử dụng xe đa dụng phù hợp với nhiều hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam, của các DN, các liên doanh. Vì vậy, mức thuế suất thuế TTĐB của dòng xe này nên thấp hơn 10% so với các loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống và cần tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích DN tăng cường NĐH. Nhà sản xuất và cơ quan quản lý đã “gặp nhau”, thống nhất về quan điểm. Từ thực tế của thị trường, của sản xuất cho thấy đã có những kết quả, nhưng mới ở dạng đơn lẻ. Để xem điều này có thành công trên diện rộng và sâu, ở nhiều DN, liên doanh, của ngành CN ôtô Việt Nam hay không, chúng ta phải tiếp tục chờ. Nhưng, nếu để có được sự phát triển mạnh mẽ của nhiều DN, của ngành CN này thì cần phải “lựa chọn, gặp nhau” nhiều hơn nữa và cũng không phải chỉ “hai bên gặp nhau” mà là “gặp nhau, thống nhất nhiều bên”, nhất là khi thời gian mở cửa ngành này đang ngắn lại nhanh chóng.
Để phát triển ngành công nghiệp ôtô thì một trong những yếu tố được xem là quan trọng nhất chính là sự "gặp nhau" về quan điểm, định hướng phát triển lâu dài cũng như những vấn đề cụ thể như thị hiếu từng phân khúc, dòng xe, của từng giai đoạn... giữa nhà sản xuất và các cơ quan quản lý. Không chỉ là một cơ quan, mà phải là tất cả những cơ quan có liên quan.
autovina