Ô tô nhập từ Trung Quốc giảm mạnh, Bộ Công Thương giải thích ra sao?

Admin
Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc giảm mạnh do Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này các loại xe tải, trong khi nhu cầu nhập khẩu xe tải giảm xuống.
Xe Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đang giảm mạnh (ảnh minh họa).

Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, số lượng ô tô nhập khẩu tăng kỷ lục, đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và tăng 413,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần mức cả năm 2018 (81.787 xe ô tô);

Về thị trường nhập khẩu xe, Bộ Công Thương cho biết, sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% từ đầu năm 2018, nhập khẩu từ khu vực ASEAN tăng mạnh, hiện đã chiếm đến 88,8% tổng lượng ô tô nhập khẩu cả nước.

Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản: việc nhập khẩu ô tô giảm mạnh. Nguyên nhân do Công ty Thành Công và Trường Hải không nhập xe hoặc hạn chế nhập xe Hyundai và Mazda sau khi đã liên doanh và sản xuất trong nước từ cuối năm 2017.

Lượng ô tô nguyên chiếc nhập thị trường Hoa Kỳ theo Bộ Công Thương cũng giảm mạnh do các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đồng thời là nhà sản xuất trong nước cân đối kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo đó các doanh nghiệp này nâng công suất sản xuất trong nước, tăng nhập khẩu từ thị trường ASEAN để được hưởng lợi thuế ATIGA là 0% và giảm nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ.

Cũng theo Bộ Công Thương, nhập khẩu ô tô từ thị trường Trung Quốc giảm rất mạnh do Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này các loại xe tải, trong khi nhu cầu nhập khẩu xe tải giảm xuống.

"Hiện ô tô nhập khẩu tập trung chủ yếu vào ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chiếm khoảng 70% tổng lượng nhập khẩu ô tô vì đây là dòng xe vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa phục vụ kinh doanh, giá thành giảm do một số loại thuế giảm (thuế nhập khẩu theo ATIGA và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ)", Bộ này cho hay.

Trong khi đó, đối với dòng xe tải, Bộ Công Thương cho biết việc nhập khẩu giảm mạnh về số lượng do rất nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, ít doanh nghiệp đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Thứ hai, trong nước đã sản xuất được dòng xe tải nhẹ.

Trong nước mới sản xuất một phần xe tải nặng trong khi nhu cầu nhập khẩu thấp vì thời gian qua các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng lớn nhằm đáp ứng quy định về tải trọng của Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài ra việc giảm nhập khẩu xe bán tải do tiêu thụ khó khăn hơn trước, đặc biệt tại các thành phố lớn do tăng thuế trước bạ (từ 2% lên 6-7,25%).

Đi kèm với số lượng tăng đột biến, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc ô tô các loại đều có xu hướng giảm ở mức hơn 4.000 USD/xe.

Cụ thể, từ mức 26.649 USD/xe xuống còn 22.275 USD/xe. Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi giá nhập khẩu trung bình mỗi xe giảm từ mức 22.530 USD xuống còn 19.258 USD/xe.

Báo cáo với Bộ trưởng Công Thương mới đây, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng cho biết, dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.

Trước lo ngại lượng xe nhập khẩu lấn át, Cục Công nghiệp kiến nghị việc sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn, thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.

Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp ô tô Việt Nam trước sức ép từ sản phẩm ngoại nhập.\

theo dantri