Ô tô nhập khẩu tại Việt Nam: biết đi về đâu?

Svetlanauhn
(Autovina) - Sau hơn một năm áp dụng, bên cạnh những chuyển biến tích cực trên thị trường thì nhiều vướng mắc, bất cập cũng đã phát sinh từ các quy định của Thông tư 20.

Siết rồi lại loay hoay nới, số phận của mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tiếp tục bị đẩy vào vòng luẩn quẩn.

Sức ép từ vướng mắc

Giữa năm ngoái, Bộ Công Thương đã dựng lên một “hàng rào” nhằm ngăn chặn các loại ôtô nhập khẩu không chính hãng. Bằng các điều kiện, thủ tục bắt buộc khắt khe như giấy tờ ủy quyền của chính nhà sản xuất và hệ thống bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải, Thông tư 20 của Bộ Công Thương khi đó đã nhận được không ít ý kiến đồng tình.

Nhưng sau hơn một năm áp dụng, bên cạnh những chuyển biến tích cực trên thị trường thì nhiều vướng mắc cũng đã phát sinh. Rõ rệt nhất là việc nhiều doanh nghiệp phải gửi thư đến các cơ quan hữu quan kêu cứu về tình trạng mắc kẹt hợp đồng, mắc kẹt hàng hóa sau khi Thông tư 20 có hiệu lực thi hành.

Tháng 7 năm ngoái, cả chục doanh nghiệp đã đồng loạt có đơn xin “gỡ” thủ tục cho hàng trăm ôtô bị tồn ứ tại cảng do không thể thông quan. “Vận đen” của số xe này nằm ở chỗ không thể kịp cập cảng trước ngày 26/6/2011, tức thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực.

Chưa hết, mới đây lại có nhiều doanh nghiệp cho biết đã và đang bị thiệt hại số tiền lớn do hợp đồng đã ký, đã thanh toán cho đối tác nước ngoài trước thi Thông tư 20 được ban hành nhưng chưa đưa xe về, thậm chí đối tác còn chưa kịp xuất kho.

Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các loại ôtô xuất xứ từ Hàn Quốc cho biết, “chúng tôi đang tồn hợp đồng nhập khẩu ký với đối tác ngày 14/2/2011, nhưng từ thời điểm ký hợp đồng đến nay đã là gần 20 tháng và trong khoảng thời gian này, thị trường ôtô thay đổi rất nhiều. Nhiều loại xe trong hợp đồng đã ký lúc này không còn phù hợp với thị hiếu khách hàng, thậm chí một số model đối tác không thể cung cấp được vì không còn sản xuất nữa”.

Nhiều doanh nghiệp muốn “gỡ” là một chuyện, ngay cả ngành hải quan cũng đề xuất nới lỏng các quy định của Bộ Công Thương.

Cách đây ít ngày, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị gỡ bỏ điều kiện doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất.

Theo cơ quan này, nếu đề xuất trên được thực hiện thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện nhập khẩu, từ đó tránh độc quyền, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế qua việc nhập khẩu dưới hình thức tài sản của Việt kiều hồi hương.

Rối việc... gỡ rối

Trước tình thế ấy, vừa qua Bộ Công Thương đã có động thái giãn “hàng rào” bằng văn bản cho phép doanh nghiệp tiếp tục được nhập khẩu những lô xe chở người dưới 10 chỗ ngồi loại mới nằm trong các hợp đồng đã ký, đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ hợp đồng cho đối tác trước ngày 12/5/2011.

Bên cạnh đó, vài nguồn tin cũng cho biết, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hiện đang cùng nhau bàn thảo phương án nới Thông tư 20 theo như đề xuất của Tổng cục Hải quan. Cụ thể là việc bỏ áp dụng thủ tục phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất hay hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Có hai luồng ý kiến ủng hộ việc nới quy định siết ôtô nhập khẩu không chính hãng. Đó là một mặt nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, tránh tình trạng độc quyền nhập khẩu vào một số ít doanh nghiệp lớn, nhất là trước xu hướng nhiều liên doanh đang dần chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước; một mặt nhằm tăng nguồn thu thuế trước thực tế thu ngân sách từ mặt hàng ôtô nhập khẩu bị giảm sút nặng nề.

Ngược lại, cũng có không ít phản ứng trước khả năng nới Thông tư 20, đặc biệt là các nhà nhập khẩu lớn, các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô đang hiện diện tại Việt Nam.

Trong đó đa số ý kiến cho rằng việc Bộ Công Thương dựng hàng rào Thông tư 20 là hợp lý, hợp thời. Bởi với những quy định chặt chẽ, các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh nghiêm chỉnh, có chiến lược đầu tư dài hạn thay vì kiểu làm ăn chộp giật, tránh tình trạng gian lận thương mại và nhất là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng bằng các chính sách bảo hành, bảo dưỡng bắt buộc.

Theo bà Đặng Phan Thu Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam, với xe nhập khẩu chính hãng, quyền lời của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo qua các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng tiêu chuẩn. “Vì vậy, nếu cơ quan chức năng có thay đổi Thông tư 20 thì phải tuân thủ nhất quán mục tiêu đặt ra khi ban hành”.

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc điều hành khối Bán hàng ôtô của Công ty Honda Việt Nam, ông Tomohiro Maruno lại quả quyết rằng “nếu Thông tư 20 được sửa đổi theo hướng bỏ yêu cầu phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, thì sẽ ảnh hưởng tới tất cả những nhà phân phối xe chính thức cũng như công việc kinh doanh của các đại lý trực thuộc, khiến doanh nghiệp chính hãng gặp khó khăn trong hoạt động”.

Trong khi đó, ông Michael Behrens, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam, lại tỏ ra khá bình thản khi nhận định việc cơ quan chức năng xem xét bỏ thủ tục giấy chỉ định hoặc ủy quyền chính hãng về khía cạnh nào đó sẽ gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. “Tuy nhiên, thực tế việc bỏ các điều kiện ủy quyền chính hãng trong nhập khẩu xe mới sẽ không đem lại lợi ích cho khách hàng”.

Đứng trước những luồng quan điểm trái chiều như vậy, nhất là với vấn đề giảm thu ngân sách từ ôtô nhập khẩu mà ngành hải quan đưa ra, xem như Bộ Công Thương đang gặp khó trong việc gỡ rối chính cái nút mà mình đã trực tiếp thắt lại.

(theo VnEconomy)

kynam