Hệ thống phanh khẩn cấp chủ động trên xe Ford có thực sự an toàn?

Admin
Hệ thống phanh khẩn cấp chủ động (AEB) đang được trang bị trên các dòng xe Ford sẽ giúp nhận diện rủi ro và ngăn chặn tai nạn.

Khi ngày càng nhiều người tham gia giao thông trên đường, cùng với lối sống ngày càng bận rộn hơn, nhiều mối bận tâm khiến chúng ta xao nhãng, các phương tiện di chuyển cần được trang bị tốt hơn để xử lý - và trên hết là ngăn chặn - các nguy cơ tai nạn. Khả năng dừng xe trong những điều kiện khác nhau là yếu tố quan trọng cho sự an toàn khi di chuyển, và công nghệ hỗ trợ người lái AEB có thể nhận diện và phản ứng với các nguy cơ va chạm trên đường như người đi bộ, người điều khiển xe đạp và các phương tiện khác.

Ford đang triển khai AEB như một tính năng tiêu chuẩn trên nhiều dòng xe để tăng tính an toàn và mang đến những công nghệ tối tân nhất cho người dùng

 

“Ford đang triển khai AEB như một tính năng tiêu chuẩn trên nhiều dòng xe để tăng tính an toàn và mang đến những công nghệ tối tân nhất cho người dùng,” ông Stefan Seemann, Trưởng bộ phận ADAS (Hệ thống Hỗ trợ Lái xe Tiên tiến) của Ford Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ. “Điều đó thể hiện những nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc đem đến cho người lái những trải nghiệm an toàn và tự tin hơn.”

Dữ liệu của IIHS cho thấy Hệ thống Cảnh báo Va chạm Trước Tích hợp Công nghệ Phanh Khẩn cấp Tự động, thường được biết đến là AEB trên thị trường, có khả năng giảm đáng kể những vụ va chạm dẫn đến tử vong hay gây thương tích. Trong những trường hợp cụ thể, AEB có thể giảm mức độ chấn thương của va chạm khi đâm vào đuôi xe khác tới 56%. AEB cũng có thể giảm mức chấn thương cho người điều khiển các phương tiện khác đến 23%.

Trên các mẫu xe của Ford, AEB sử dụng camera cảm biến và radar bước sóng milimet để phát hiện và xác định những rủi ro tiềm ẩn trên đường. Trong khi sóng radar giúp nhận diện các chướng ngại vật ở xa và chuyển động nhanh, như các phương tiện khác trên đường, camera có thể nhận dạng các hình ảnh ở gần một cách hiệu quả, ví dụ như hình ảnh của người đi bộ.

Khi phát hiện ra nguy hiểm, AEB cảnh báo người lái qua âm thanh cảnh báo và đèn nhấp nháy. Cùng lúc đó, hệ thống sẽ chuẩn bị phanh để phanh gấp. Nếu người lái phản ứng quá chậm, công nghệ AEB sẽ chủ động phanh xe, có thể giúp người lái tránh hoàn toàn va chạm, hoặc giảm thiểu tác động.

AEB sẽ giúp nhận diện rủi ro và ngăn chặn tai nạn.


Ngày nay tại các thành phố, hệ sinh thái giao thông tắc nghẽn với số lượng lớn xe đạp, xe máy, người đi bộ và cả xe ô tô. Điều này có thể đặt ra những thử thách phức tạp hơn cho công nghệ AEB. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại Úc, Ford phát hiện phần lớn những người lái xe thường cảm thấy căng thẳng bởi những người đi xe đạp trên đường. Gần như nửa số tài xế đã thể hiện thái độ tiêu cực đối với người điều khiển xe đạp, trong đó 20% số người được hỏi từng có tranh cãi hoặc đã có hành vi nóng nảy với người đi xe đạp khi đang lái xe. Những trường hợp nguy hiểm như vậy khẳng định tầm quan trọng của công nghệ AEB trong việc xác định – và phản ứng – với các chướng ngại vật một cách chính xác. Các kỹ sư của Ford đã thực hiện những cuộc nghiên cứu và thử nghiệm quan trọng với AEB cũng như thử nghiệm để hệ thống này có thể nhận dạng được phần lớn các phương tiện, người đi bộ (bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ) và người đi xe đạp vào cả ban ngày và ban đêm.

Mặc dù công nghệ AEB nay đã thông minh và an toàn hơn bao giờ hết, nhưng người lái vẫn cần giữ vững sự tập trung khi di chuyển trên đường. Tính năng bán tự động này chỉ đóng vai trò như một hệ thống hỗ trợ và không thể thay thế hoàn toàn sự chú ý của người lái.

Ông Stefan chia sẻ thêm: “Hiện tại, AEB được thiết kế để hỗ trợ người lái, và nó cho thấy tiềm năng của các thiết bị thông minh. Chúng ta đang ở trong một tiến trình phát triển từ con người đến máy móc, và những công nghệ như AEB sẽ đưa chúng ta tới những trải nghiệm di chuyển an toàn và thông minh hơn.”