Động cơ Turbo sẽ quay trở lại với mùa giải 2013?

Đó là một trong số những ý kiến mới nhất về việc thay đổi F1 trong thời gian tới đang được đưa ra bàn luận.
 
Như chúng ta đã biết, trong môn thể thao “đốt tiền” F1, động cơ là thành phần phức tạp nhất. Để vận hành tốt, hầu hết động cơ của các đội đều phải ngốn một lượng nhiên liệu không nhỏ nên nó đã đặt ra một vấn đề khá nan giải đó là bảo vệ môi trường mà vẫn đảm bảo được công suất động cơ không hề dễ dàng.
 
Vào những năm 1950, động cơ xe đua F1 sinh ra công suất trung bình 100 mã lực/lít nhiên liệu. Sau đó, tới những năm 80 là sự trỗi dậy của động cơ Turbo mà đi đầu là hãng xe Renault của Pháp, với động cơ 1,5 lít turbo, công suất trung bình sinh ra bởi một lít dung tích tăng tới 750 mã lực. 
 
Tuy nhiên, sau đó do giới hạn công suất tối đa 1.000 mã lực với dung tích 3 lít, động cơ của một số đội có tỷ lệ 300 mã lực/lít. Và sau một thời gian dài với nhiều thay đổi về luật đua và cả những qui định mới, FIA đang nhận được một số ý kiến về vấn đề sử dụng động cơ Turbo dung tích 1,6 lit từ mùa giải 2013. Đây hiện đang là chủ đề gây ra rất nhiều bàn cãi trong cả giới chuyên môn và người hâm mộ F1. 
 
Ít nhất ý kiến đề xuất gây nhiều tranh cãi này chưa rõ ai là người đưa ra nhưng nó đã nhận được một ý kiến đồng thuận đó là ông Sam Micheal, giám đốc kỹ thuật của đội đua Williams: 
 
Việc tiết kiệm nhiên liệu trong F1 cũng là vấn đề rất đáng bàn. Những hệ thống động cơ mới có công suất cao ngốn xăng rất nhiều nên cần phải xem xét vì cả vấn đề môi trường trong đó.” 
 
Thực tế, ông Sam cũng là người đã đưa ra tuyên bố về việc đội Williams sẽ sớm có hệ thống phục hồi động năng KERS trên chiếc xe đua của đội trong thời gian tới, đi kèm với hệ thống đặc biệt giúp tiêu thụ nhiên liệu ít hơn.  
 
Nói về công nghệ KERS thì Ferrari và Renault vẫn đang là hai đội dẫn đầu nhóm vận động sử dụng công nghệ thu hồi và tích trữ năng lượng tương tự như hệ thống KERS đã được thử nghiệm trong mùa giải 2009, nhằm tận dụng phần năng lượng hao phí để giúp rút ngắn thời gian chạy một vòng đua. 
 
Ngoài ra, cũng có một thông tin rất đáng chú ý xuất hiện bên cạnh việc F1 sử dụng động cơ Turbo 1,6lit đó là sẽ sử dụng một dạng downforce (lực ép xuống) có tên “hiệu ứng mặt đất - ground effect” trên những chiếc xe đua năm 2013. 
 
Dạng downforce đặc biệt này được khám phá bởi các kỹ sư của đội Lotus khi họ nhận thấy cả chiếc xe có thể biến thành 1 chiếc cánh gió thống nhất để tạo downforce mà không sợ hiệu ứng phụ lực cản và họ cho ra đời chiếc Brabham BT46B, thiết kế bởi Gordon Murray, chiếc xe này sử dụng 1 chiếc quạt làm mát hút gió cuyển động dưới gầm xe qua đó tạo ra 1 lực ép xuống khổng lồ mà không sinh thêm lực cản.  
 
Tuy nhiên, trong nỗ lực giảm tốc độ của xe đua F1 nhằm tránh những tai nạn đã từng xuất hiện trên đường đua F1, FIA yêu cầu nâng chiều cao giữa cánh gió trước và mặt đường đồng thời cánh gió sau phải được đưa ra phía trước và thay đổi của thoát gió sau (air diffuser). Thay đổi đó của FIA khiến các xe mất đến gần 25% downforce. Có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc đã có ý kiến đề xuất về việc sử dụng công nghệ “hiệu ứng mặt đất - ground effect” đã từng được các kỹ sư của Lotus nhận ra. Nhưng xem chừng thì đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau chưa đồng thuận cùng với việc thay đổi sử dụng động cơ Turbo 1,6 lit thì hoàn toàn không phải điều dễ dàng. 
 
Hiện FIA vẫn chưa đưa ra bất kì lời bình luận nào về hai vấn đề thay đổi động cơ F1 đang được sử dụng và công nghệ “hiệu ứng mặt đất - ground effect”. 
 
Theo Autopro
autovina