Công nghệ an toàn - chặng đường dài cho các hãng ôtô

Admin
Kiểm soát hành trình, phanh tự động đã là những phát minh hữu ích. Nhưng xe hoàn toàn tự lái và tránh tai nạn, thì các hãng vẫn đang mơ.

Cho đến nay, động cơ phản lực đeo lưng hay tụ thông lượng (giúp đi xuyên thời gian trong phim Mỹ nổi tiếng Back to Future năm 1985) vẫn chỉ tồn tại ở dạng ý tưởng. Ôtô tự lái hoàn toàn cũng vậy.

Vài năm trước, một số nhà phân tích từng dự đoán rằng rồi đây chúng ta sẽ có thể chợp mắt phía sau vô-lăng trên đường lái xe đi làm. Không! Việc ôtô được trang bị công nghệ tự lái hoàn toàn trong mọi tình huống (cấp 5), vẫn chỉ là một giấc mơ, New York Times phân tích.

Công nghệ tự lái bắt đầu được lắp đặt trên ôtô từ năm 1958 khi hãng Chrysler ra mắt dòng Imperial với tính năng kiểm soát hành trình. Và phải mất tới 40 năm sau, Mercedes S-Class mới đánh dấu sự khởi đầu của công nghệ tự lái Cấp 1 với việc trang bị thêm tính năng kiểm soát hành trình thích ứng Distronic, tự động giảm tốc để giữ khoảng cách với xe phía trước.

Với tư cách là một chuyên gia có nhiều năm đánh giá các loại ôtô, tác giả Tom Voelk, có hơn 200 bài đánh giá cho tạp chí The Times và đồng thời sản xuất một kênh YouTube riêng, cho biết công nghệ tự lái từ Cấp 1 cho đến Cấp 2 đã xuất hiện đồng thời ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn thì không nhiều. Dưới đây là bài đánh giá.

Tính năng Super Cruise của Cadillac dựa trên một loạt các camera và cảm biến xung quanh xe. Ảnh: Mason Dent/New York Times


Ở Cấp 1, xe bắt buộc phải được trang bị ít nhất một hệ thống hỗ trợ lái tự động. Trong khi đó, Cấp 2 yêu cầu có nhiều hệ thống hơn, hoạt động song song. Nếu bạn đang chuẩn bị mua ôtô, để tìm ra được xe nào trang bị tính năng gì hẳn sẽ hơi rắc rối, do đó tôi đã dành vài tháng qua để kiểm nghiệm các công nghệ tự lái nhằm cung cấp cho mọi người một vài chỉ dẫn. Điều tôi nhận thấy là ngày nay, ngay cả trên một vài dòng xe giá rẻ cũng có công nghệ tự lái ở một mức nhất định nào đó sẽ giúp bạn an toàn.

Với hệ thống an toàn Honda Sensing, người mua có thể được trải nghiệm công nghệ bao gồm phanh khẩn cấp tự động với hệ thống phát hiện người đi bộ, điều khiển hành trình chủ động (ACC), hỗ trợ giữ làn và cảnh báo điểm mù. Trừ tính năng cảnh báo điểm mù, một số tính năng này cũng được trang bị trên hệ thống EyeSight của Subaru hay Safety Sense của Toyota.

Trong khi ngày càng nhiều hãng xe tiêu chuẩn hóa những tính năng an toàn kể trên, các công nghệ này có thể là trang bị tiêu chuẩn, tùy chọn hoặc mỗi thứ một chút.

Chẳng hạn, hệ thống an toàn Co-Pilot 360 của Ford là công nghệ tiêu chuẩn trên dòng Explorer XLT 2020, bao gồm các tính năng phanh tự động khẩn cấp, hỗ trợ giữ làn và cảnh báo điểm mù. Tuy nhiên, nếu muốn sở hữu tính năng điều khiển hành trình chủ động, người mua dòng XLT cần phải trả thêm 795 USD cho bản Assist+, cộng thêm 5.140 USD cho gói tùy chọn nội ngoại thất.

Không thể phủ nhận rằng các công nghệ này đang giúp chúng ta ngày một an toàn hơn. Một giám đốc của Honda nói rằng, số lượng chắn bùn trước cần thay thế đã giảm đi đáng kể khi các mẫu CR-V mới được trang bị phanh tự động. Subaru năm ngoái cho biết số yêu cầu đền bù bảo hiểm liên quan đến các vụ va quệt với người đi bộ cũng giảm tới 41% trên những xe được trang bị hệ thống EyeSight thế hệ thứ hai ra mắt từ 2015.

Hệ thống ProPilot Assist của Nissan, thứ vốn là trang bị tiêu chuẩn trên một số dòng xe hạng cao cấp và là tùy chọn trên các dòng xe khác của hãng này, vượt qua cả điều khiển hành trình chủ động và tỏ ra rất đáng tin cậy trên đường cao tốc. Đây là một hệ thống thực tiễn giúp điều chỉnh tốc độ và giữ làn xe tùy theo hiện trạng giao thông trên đường.

Với công nghệ hỗ trợ lái xe trên cao tốc, là tiêu chuẩn trên một số bản cao cấp của Kia Telluride, lái xe thậm chí còn có thể được cho phép rảnh tay trong hơn một phút và tự tin vào cua trên đường cao tốc một cách nhẹ nhàng.

Một số tính năng được trang bị trên những dòng xe sang của Audi, BMW, Mercedes hay Volvo còn làm được nhiều hơn thế. Chẳng hạn, hệ thống Driving Assistant Plus của BMW có thể đánh giá tình trạng của các tuyến đường rồi điều chỉnh thiết lập hộp số để sang số êm hơn, hiệu suất cao hơn. Mercedes GLE450 sẽ chuyển làn khi tài xế gẩy xi nhan, nếu các cảm biến phát hiện khoảng trống phía trước.

Các cổ đông trải nghiệm mẫu Mercedes GLE450 4Matic trưng bày tại hội nghị thường niên của Daimler ở Đức đầu năm nay.


Tất cả các hệ thống an toàn kể trên đều đòi hỏi tài xế có mặt. Tuyệt đối không được vừa lái xe vừa xem mạng xã hội. Volvo, hãng cung cấp hệ thống Pilot Assist, từng nhấn mạnh rằng tính năng phanh tự động City Safety được cố tình thiết kế để cho cảm giác phanh một cách cực đoan nhằm giúp tài xế không ỷ lại công nghệ.

Tuy vậy, tất cả những hệ thống này vẫn chưa qua được Cấp 2. Bởi lẽ, những hệ thống từ Cấp 3 đến Cấp 5 cho đến nay vẫn chưa thể được thương mại hóa. Công nghệ tự lái Cấp 2 tinh vi nhất chính là của Cadillac và Tesla.

Trang bị tùy chọn Super Cruise của Cadillac thực sự rất ấn tượng. Hệ thống này sử dụng radar, camera, cảm ứng, thiết bị GPS vô cùng chính xác và một cơ sở dữ liệu bao gồm hơn 200.000 km (vừa được cập nhật lên 321.869 km vào mùa thu này) đường cao tốc được bản đồ hóa nhờ một thiết bị radar quét laser từ trên không, được gọi là "lidar". Ngoài ra, Super Cruise còn được trang bị thêm một camera đặt ở cột lái nhằm mục đích giám sát tài xế.

Hệ thống Super Cruise mới chỉ hiện diện trên các dòng sedan CT6. Cadillac hứa hẹn rằng trong tương lai, nó sẽ có mặt trên nhiều mẫu xe hơn, bao gồm cả XT6, CT4 và CT5.

Tuy nhiên, hệ thống này chỉ hoạt động trên những đường cao tốc phân làn đã được bản đồ hóa, và hơn nữa, nó sẽ không tự điều khiển việc vào hay ra khỏi đường cao tốc. Xe sẽ bám chặt lấy làn sau đó chạy chậm lại cho đến khi dừng hẳn nếu như không nhận được bất cứ lệnh nào từ người lái.

Tôi từng chạy suốt gần 200 km mà tay không hề phải cầm vô-lăng, chân không hề phải nhấn ga hay đạp phanh. Tuy vậy, hệ thống này không thể tự mình chuyển làn. Chỉ khi bật tín hiệu chuyển làn và tắt tính năng bám làn, chiếc xe khi đó mới có thể được điều khiển bằng tay.

Camera theo dõi người lái có chức năng đảm bảo rằng tài xế vẫn quan sát phía trước. Nếu người lái đang xem video hay đọc sách, đèn cảnh báo màu đỏ sẽ nhấp nháy. Bạn cũng không thể đánh một giấc trong khi đang lái xe. Một khi bạn phớt lờ đèn và chuông cảnh báo, hệ thống Super Cruise sẽ tự động giảm dần tốc độ, giữ nguyên làn cho đến khi xe dừng hẳn, bật chế độ đèn nháy và kích hoạt tính năng Onstar thông báo tình trạng khẩn cấp cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Nói một cách đơn giản, khi đó nó cho rằng bạn vừa lên cơn đau tim.


Sau khi cố tình liên tục kiểm nghiệm tính năng của camera trong xe bằng cách ngó đi chỗ khác, hệ thống tự động tạm thời vô hiệu hóa việc điều khiển xe của tôi. Thực sự khi đó, tôi có cảm giác như mình vừa bị trách phạt.

Công nghệ Super Cruise thực sự đã giúp chuyến đi trở nên thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi được vô tư thưởng ngoạn cảnh vật xung quanh mà trước đây là một việc bất khả thi khi phải tập trung cao độ vào đường đi.

Với Tesla, bản cập nhật mới nhất của hệ thống tự lái Autopilot sử dụng một chiếc máy tính được lắp đặt sẵn trên các mẫu Tesla đời mới (và có thể được lắp thêm trên các mẫu xe cũ).

Với tám chiếc camera (cùng radar, GPS và các cảm biến siêu âm), Tesla rõ ràng tin tưởng rằng những tín hiệu thị giác như các biển báo hay vạch kẻ đường chính là con đường tốt nhất đem đến những cải tiến trong công nghệ tự lái.

Ngoài ra, Tesla còn có một mạng lưới trung lập làm nhiệm vụ kiểm nghiệm công nghệ tự lái. Theo đó, Tesla thu thập hình ảnh về các tình huống đáng chú ý xảy ra với tài xế (những giao lộ hỗn loạn, những chiếc ôtô chở xe đạp trên nóc, thậm chí cả những xe gặp tai nạn) để từ đó ngày một cải thiện độ chính xác của hệ thống tự lái. Và Tesla không hề dùng đến lidar.

Andrej Karpathy, trưởng bộ phận A.I. của Tesla, cho rằng "lidar là một lối đi tắt, né tránh vấn đề cơ bản và hệ trọng liên quan đến nhận diện hình ảnh thiết yếu, vốn có vai trò quan trọng trong công nghệ tự lái. Lidar không phải là một bước tiến trong công nghệ mà thực ra nó chỉ là một giải pháp mang tính tạm bợ".

Tôi đã dành ra một buổi chiều cùng với Lori Howe, chủ tịch Câu lạc bộ Tesla khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và hôn phu của cô, Brian Manthos, tham dự một cuộc trình diễn dòng sedan Tesla Model 3. Dù Autopilot yêu cầu tài xế vẫn phải cầm vô-lăng, nhưng Howe cũng như Manthos đều đồng ý rằng "nó giúp trải nghiệm những chuyến đi dài trở nên dễ chịu hơn rất nhiều".

Hệ thống này để lại nhiều ấn tượng nhất trong việc thiết lập cung đường ở chế độ Autopilot. Nhập điểm đến, hệ thống sẽ tính toán các cung đường bao gồm cả các đường nối dẫn lên các xa lộ. Nếu xe đang ở một làn bị ùn tắc, nó có thể tự động chuyển làn cho bạn. Khi xe chuẩn bị rời xa lộ, trên đường dẫn, hệ thống sẽ phát đi tín hiệu báo cho lái xe biết xe sắp chuyển chế độ máy tính cầm lái sang người cầm lái. Các tùy chọn của hệ thống còn cho phép người lái lựa chọn khoảng cách với xe phía trước hay cường độ của việc chuyển làn ở chế độ Mad Max.

Tôi cũng đã có được một vài trải nghiệm khi xe tự động đánh lái một cách khá đột ngột, ví dụ như khi vô-lăng đánh sang trái như thể chẳng vì lý do gì nhưng nó vẫn muốn chuyển làn. Nhìn chung, tôi vẫn cảm thấy an tâm nhiều hơn khi sử dụng chế độ rảnh tay (hands-free) trong Super Cruise, cho dù nó thiếu đi cảm giác thích thú mỗi khi chuyển làn. Nhưng Tesla chắc sẽ cải tiến nó tốt hơn trong tương lai.

Bước tiến đến Cấp độ tự lái bậc 3, 4 hay 5 trong điều kiện đường nội thị là vô cùng gian nan đối với các hệ thống máy tính. Những hệ thống đó nhiều khả năng vẫn sẽ chỉ được trang bị trên các dòng xe hạng sang mà thôi, bởi lẽ cái giá của công nghệ thường không rẻ.

Theo VNE