Tata Nano đã bắt đầu được bán ra công chúng vào đầu tháng này. Việc sở hữu một chiếc xe hơi ở Ấn Độ mang lại cảm giác tự do và hãnh diện cho người cầm lái. Đó là lý do vì sao hơn 350 nghìn người đã tham gia vào đợt bốc thăm để có cơ hội nắm trong tay một chiếc Tata Nano.
Rajesh Murthy, 32 tuổi, sống tại Ghaziabad, vùng ngoại ô nghèo của New Delhi, đã chuẩn bị rất cẩn thận cho dịp đặc biệt này. Anh cắt tóc gọn gàng, mặc một chiếc sơ mi mới và cầm theo bọc tiền. Rajesh dậy từ sớm, gọi điện cho ông chủ nhà hàng nơi anh đang phụ trách máy tính tiền để xin nghỉ ốm, rồi phóng xe máy tới đại lý của Tata ở Nam Delhi.
Các đại lý Tata ở Ấn Độ lúc nào cũng đông nghịt người. Họ đến để mong được chạm tay vào Nano. Ảnh: Businessweek. |
Tại đây, anh đứng vào hàng cùng với hàng trăm người khác, chen lấn xô đẩy bằng tất cả nỗ lực bản thân nhằm chạm tay trước đến ước mơ của đời mình. “Tôi không thể chờ hơn được nữa”, anh nói mà đôi mắt cứ ngó quanh quất tìm kiếm một cánh cửa mở trong đám đông chật chội. “Tôi nhìn thấy nó một lần vào hai năm trước, kể từ đó ngày nào tôi cũng mơ sẽ đem được nó về nhà khiến cho bố mẹ tôi một phen bất ngờ. ôi, vợ tôi, cô ấy sẽ rất hạnh phúc cho coi.”
Bất ngờ, những cánh cửa mở ra và Rajesh được hướng dẫn đi sang một căn phòng đông không kém. Ở đó, trong góc phòng, chỉ dựa theo trí nhớ anh cũng biết có một chiếc Tata Nano sơn trắng đang chờ đợi mình. Chiếc xe vẫn mới như ngày đầu tiên anh phải lòng nó, nước sơn vẫn tỏa sáng, dải ruy băng đỏ vẫn nằm chéo trên mui, các cánh cửa vẫn mở ra đầy mời gọi, như thể đang vẫy tay chào Rajesh.
Sau hai năm rưỡi kể từ ngày xuất hiện hình ảnh về mẫu thử nghiệm Nano, nó đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng Rajesh cũng như hàng triệu người Ấn khác. Và lần này, cùng với 350 nghìn người khắp Ấn Độ, Rajesh đã bỏ ra 80 USD cho một lần bốc thăm may rủi. Chỉ 100 nghìn người may mắn có sẽ được mua một chiếc Nano trong vòng 12 tháng tới. Họ cần phải tận dụng cơ hội vì Tata Motor, hãng sản xuất ra chiếc xe rẻ nhất thế giới đang gặp phải vấn đề mà GM, Ford và Chrysler ao ước không được - quá nhiều khách hàng!
Các chính khách địa phương tức giận về việc Tata sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy tại Tây Bengal khiến hãng phải từ bỏ ý định và chuyển hướng về Gujarat, một bang ở phía tây Ấn. Nhà máy mới chưa thể hoàn thành trước cuối năm 2009, vì thế nên Tata phải giới hạn số lượng đặt mua Nano.
Người phương Tây sẽ khó có thể hiểu những chiếc xe có ý nghĩa như thế nào đối với người Ấn. Từ hàng thập kỷ nay, người dân đã phải chịu đựng một nền kinh tế bị điều khiển, chỉ có thể lựa chọn một trong hai loại xe - chiếc Ambassador thô kệch ăn xăng, không hề thay đổi từ nhưng năm 50 với ghế ngồi sofa và động cơ ì ạch, hoặc chiếc Fiat mảnh mai như một thiếu phụ, model 1957 - 1200D, ngắn gọn nhỏ xinh với hộp truyền động vụng về. Rất ít người mua nổi một chiếc xe mới, và thậm chí những chiếc xe qua ba bốn đời chủ vẫn còn là niềm ao ước.
Lời cầu nguyện cho những chiếc ôtô
Đầu thập kỷ 90, nền kinh tế Ấn Độ mở cửa, thêm nhiều lựa chọn phương tiện đi lại cho người dân, nhưng chỉ một số ít trong đó là vừa khả năng. Những chiếc xe mới, thông thường là Maruti 800 của Suzuki lắp ráp tại Ấn, sẽ được chuyển tới các gia đình ngay khi nước sơn vẫn còn mới, cùng với ruy băng và những đóa hoa trang hoàng.
Trong ánh mắt ghen tị của những người hàng xóm, chủ nhân chiếc xe cẩn thận lái nó tới giáo đường, nơi một thầy tu sẽ đọc lời cầu phúc cho chiếc xe và những hành khách của nó. Và rồi trẻ con xung quanh sẽ xúm xít lại ngắm nghía, trong vòng nhiều tuần lễ sau đó, khổ chủ sẽ bị bắt ép phải lái chiếc xe lòng vòng, bấm còi inh ỏi…Trên chiếc xe của chính mình, mỗi con người cảm nhận được hạnh phúc của sự tự do và giàu sang.
Nhưng đối với hầu hết người Ấn, không giàu cũng không quá nghèo, nằm kẹt ngay phía dưới tầng lớp trung lưu trong xã hội, ôtô vẫn là cái gì đó quá xa xỉ không thể với tới. Để mua được một chiếc xe máy 1000 USD cũng là khoảng thời gian dài làm lụng tiết kiệm. Trong cái nắng nóng bất tận của đất Ấn, những chiếc xe máy như thế vẫn ngày ngày luồn lách giữa ôtô của người giàu và những con bò của người nghèo. “Ngay từ khi nhìn thấy Nano, tôi bắt đầu thấy ghét chiếc xe máy của mình”, Rajesh tâm sự.
Tình cảnh đó khiến cho nhà tỷ phú công nghiệp Ratan Tata nảy ra ý tưởng tạo nên chiếc xe rẻ nhất thế giới - Nano, để đồng bào của ông không còn phải chịu đựng nỗi khổ mưa nắng kia. Nhiều người đã cười khẩy “Làm sao mà thực hiện được”, từ các nhà khổng lồ Detroit, các hãng xe lớn của Nhật cho đến chính người bản địa.
Điều không tưởng trở thành hiện thực
Nano là một chiếc ôtô, một chiếc ôtô thực sự và có thể với tới, và trong cái nhìn tập trung của cả thế giới, nó là đứa con không thể phủ nhận của người Ấn. “Người ta không có lý do gì để xấu hổ vì nó”, Gautam Sen, biên tập Auto India, tạp chí ôtô lớn nhất Ấn Độ nói. “Đây là chiếc xe vượt qua giới hạn về giai tầng.”
Sau khi Ratan Tata cho trưng bày mẫu thử nghiệm vào tháng 1/2008, giao thông khu vực trung tâm thủ đô Delhi đã bị tắc nghẽn khi hơn 300 nghìn người đổ xô tới triển lãm. Một năm sau, Nano đã thấm vào ý thức dân tộc lúc nào không hay. Một tác giả tiểu thuyết bằng tranh (graphic novel), ông Sarnath Banerjee, đã sáng tác một câu truyện chiếm trọn một trang trên tờ Hindustan Times về Nano, ông muốn cố gắng diễn tả ý nghĩa đích thực của chiếc xe, “nó giống như thể điều không tưởng ngay lập tức trở thành hiện thực vậy”.
Khi tin tức về Nano sẽ được bán trong tháng này lan ra, người ta không ngừng nói về nó, bàn về những chi tiết của nó, và ngừng những khoản sắm sửa khác để chuẩn bị mua Nano. Anh chàng Rajesh đầu bài viết cũng tâm sự anh đang vét sạch tài khoản ngân hàng của mình và hiện đang mang theo trong người 120 nghìn Rupee (2400 USD) với hy vọng có thể đặt chúng trước mặt một vị giám đốc và thuyết phục ông ấy cho anh lái chiếc xe ra khỏi showroom, đưa nó vào cuộc đời của anh.
Và Rajesh cũng biết, cơ may của anh rất mong manh, nhưng giống như tất cả mọi người, anh vẫn điền vào tờ khai, lấy dấu và để lại 80 USD. Anh cũng phải xuất trình các giấy tờ chứng minh anh đang có việc làm và đã trả đủ thuế cũng như tiền thuê căn hộ chung cư nhỏ anh đang chia sẻ cùng bố mẹ, người dì và người vợ của anh cũng như số tiền trong tài khoản ngân hàng anh đã tiết kiệm từ năm 18.
“Anh thấy thế nào?”
“Kỳ diệu”, Rajesh trả lời, “giống y như người giàu”…