Xe kinh doanh dưới 9 chỗ đều phải gắn mào taxi

Admin
Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được phép tính cước thông qua phần mềm phải có hộp đèn mang chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe.

Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được phép tính cước thông qua phần mềm phải có hộp đèn mang chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe.

Phương tiện tham gia mô hình Liên hiệp HTX Vận tải điện tử đón khách trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn


Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất thêm quy định taxi tính tiền thông qua phần mềm (taxi công nghệ) phải có mào để dễ dàng nhận diện và phục vụ công tác quản lý.

Grab và xe công nghệ tương tự sẽ phải đeo “mào”

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được Bộ GTVT lấy ý kiến là kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được phép tính cước thông qua phần mềm phải có hộp đèn mang chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe.

Với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “Xe hợp đồng”, phải niêm yết chữ “Xe hợp đồng” hoặc “Xe hợp đồng điện tử” nếu sử dụng hợp đồng điện tử. Như vậy, các xe taxi nếu sử dụng những ứng dụng đặt xe điện tử phải gắn cố định hộp đèn mang chữ “Taxi điện tử”; nếu áp dụng trên xe hợp đồng (tương tự Grab) thì phải niêm yết chữ “Xe hợp đồng điện tử”.

Tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải được Bộ GTVT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Bản chất taxi công nghệ và taxi truyền thống là như nhau, do đó các điều kiện phải tương đồng để đảm bảo công bằng. Nghị định 86 mới phải quản lý chặt chẽ kinh doanh vận tải, nhất là loại hình ứng dụng gọi xe mới như Grab. Ranh giới giữa taxi và vận tải hợp đồng, xe taxi công nghệ rất mong manh, đây là vấn đề bức xúc và Nghị định 86 sẽ có sự điều chỉnh để tất cả các loại hình vận tải hoạt động công bằng theo đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho rằng, việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” hay xe hợp đồng điện tử để phân biệt với xe tư nhân là cần thiết. Theo ông Thanh, bản chất của xe Uber, Grab trước khi vào Việt Nam là “kinh tế chia sẻ”, giúp giảm xe cá nhân lưu thông trên đường. Song, thực tế hiện nay nhiều người đầu tư xe để kinh doanh Grab như taxi, tỷ lệ xe cá nhân hoạt động khi nhàn rỗi trong lĩnh vực này không nhiều.

“Việc gắn hộp đèn “Taxi điện tử” là việc cần làm để quản lý chặt hơn các loại hình vận tải hành khách bằng taxi. Khách hàng cũng dễ nhận biết, lựa chọn dịch vụ sử dụng phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời lực lượng chức năng dễ dàng trong xử lý vi phạm”, ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, bản chất Grab là kinh doanh vận tải. Tòa án Công lý châu Âu đã khẳng định điều này. Đã là kinh doanh vận tải phải có bộ nhận diện theo đúng quy chuẩn về đèn hiệu, màu sơn, logo.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng, trong nền kinh tế hiện đại, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị và tìm cách tối đa hiệu quả kinh doanh. Tại Việt Nam, ngoài đơn vị cung cấp phần mềm như Grab, sắp tới có Go-Jek, các doanh nghiệp nội địa như Vato, T.net, Viettel… cũng đầu tư vào vận tải nhưng không trực tiếp kinh doanh vận tải. Thế mạnh của các đơn vị này là kết hợp trí tuệ nhân tạo để kết nối hành khách với phương tiện gần nhất.

“Theo tôi, doanh nghiệp chỉ tham gia vào một công đoạn kinh doanh vận tải vẫn bị coi là đơn vị kinh doanh vận tải và chịu các điều kiện kinh doanh và hoạt động như một đơn vị vận tải là khá bất công, làm biến đổi bản chất của hoạt động cung cấp phần mềm, triệt tiêu ưu điểm hoạt động kết nối, tạo gánh nặng chi phí vô lý cho doanh nghiệp”, ông Long nói.

Xe Grab trả khách tại đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải đều là taxi

Không chờ quy định trên được đưa vào Nghị định 86, Công ty CP Trans đã tiên phong thực hiện quy định này khi cho ra mắt dự án “Xe điện tử”. Ông Nguyễn Bá Quân, Tổng giám đốc công ty cho biết, dự án sẽ làm “cổng ứng dụng điện tử”, nơi đó các ứng dụng có thể kết nối liên thông với nhau. Khoản lợi nhuận, doanh thu của ứng dụng trong hệ thống sẽ trở về chủ sở hữu ứng dụng, sau đó chỉ cần chiết khấu cho khoản tiền nhỏ để Liên hiệp HTX Vận tải điện tử làm quảng cáo cùng nhau phát triển các bên cùng có lợi. Mọi logo thương hiệu của hãng vận tải nào vẫn giữ nguyên không bên nào bị ảnh hưởng hay thâu tóm.

“Chúng tôi sẽ liên kết tất cả các ứng dụng gọi xe Việt trên tinh thần tự nguyện, cho ra đời một cổng thông tin “Xe điện tử”. Khi tham gia đề án, các ứng dụng vẫn mang thương hiệu riêng của mình. Các xe tham gia đề án sẽ được lắp “Đèn điện tử” tự động, có thể gập xuống khi không kinh doanh. Mỗi ứng dụng sẽ có tổng đài điện tử để thông báo cho tài xế số điện thoại khách gần nhất. Hành khách cũng có hai lựa chọn, hoặc là vẫy xe khi “Đèn điện tử” bật sáng, hoặc có thể đặt xe qua ứng dụng”, ông Quân nói.

Đề cập vấn đề này, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, khi một hành khách gọi đến Grab mà hiện điện thoại lên dịch vụ của một hợp tác xã A và hợp tác xã này chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ vận tải đối với hành khách thì lúc đó mới là kinh tế chia sẻ. Còn hiện tại, Grab đang quyết định giá cước, điều động phương tiện đón khách nên không thể từ chối trách nhiệm kinh doanh vận tải.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, hiện taxi truyền thống đang yếu thế so với taxi công nghệ vì phải chấp hành nghiêm ngặt với điều kiện kinh doanh, trong khi xe ứng dụng công nghệ vào điều kiện thoáng hơn, chi phí quản lý, thủ tục thấp nên lợi thế cạnh tranh so với taxi truyền thống. Khi trực tiếp điều hành phương tiện, quyết định giá cước vận tải đương nhiên là đơn vị kinh doanh vận tải. Bộ GTVT không cấm xe cá nhân kinh doanh vận tải nhưng đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, muốn kinh doanh phải tuân thủ điều kiện, là cổ đông của doanh nghiệp hay thành viên hợp tác xã vận tải để quản về thuế, con người và phương tiện.

“Nếu thuế không thu được, không quản lý được về phương tiện, con người thì sao gọi là điều kiện kinh doanh”, Thứ trưởng nói và khẳng định: “Taxi điện tử hay hợp đồng điện tử về bản chất là một, xe dưới 9 chỗ, dù là xe hợp đồng hay ứng dụng kết nối vận tải nhưng đã tham gia kinh doanh vận tải hành khách thì điều kiện kinh doanh phải như taxi. Đối với taxi truyền thống, bên cạnh việc tính tiền qua đồng hồ thì khuyến khích tính tiền qua phần mềm. Đối với xe taxi điện tử bên cạnh tính tiền qua ứng dụng thì khuyến khích qua đồng hồ. Tất cả đều có mào “Taxi”./

Theo Báo Giao thông