Vẫn băn khoăn về thuế TTĐB với ôtô

Admin
Trong buổi thảo luận tại hội trường về Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 27/10, vẫn còn ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội về mức thuế suất với ôtô, đặc biệt ôtô có dung tích dưới 2.000 cc.

Các ĐB Dương Văn Trang (Gia Lai), Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), Phạm Thị Loan  (Hà Nội ), Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu) cho rằng không nên giảm thuế cho ô tô dưới 5 chỗ ngồi từ 50% xuống 40% như trong dự thảo luật, như vậy sẽ tác động lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó lượng xe ô tô có 5 chỗ ngồi có dung tích xilanh dưới 2.000 phân khối chiếm tỷ lệ rất lớn trong lưu thông mà chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề về môi trường, nạn kẹt xe và cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo.

Ảnh minh họa

 Vẫn còn ý kiến trái chiều về thuế TTĐB với ôtô

Một số ĐB khác như ĐB Phương Thị Thanh ( Bắc Kạn), Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo cũng như đa số ý kiến của thành viên Uỷ ban Tài chính, ngân sách về hạ mức thuế suất đối với ôtô từ 5 chỗ ngồi trở xuống từ 50% xuống còn 40%.

Theo ĐB Vũ Hồng Anh, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt có ý kiến cho rằng sẽ làm tăng số lượng xe ôtô cá nhân, gây ùn tắc giao thông, tuy nhiên theo con số thống kê ở một số thành phố lớn, ví dụ Hà Nội trong số 4 loại hình mà người dân Hà Nội đang di chuyển chính thì tỷ trọng của xe máy chiếm tới 65%, xe buýt chiếm 15%, xe đạp và đi bộ chiếm 13%, các phương tiện khác, trong đó có ôtô và taxi chỉ chiếm khoảng 3%.

"Như vậy tình trạng quá tải gây nên ùn tắc giao thông do số lượng lớn xe máy đang lưu thông, theo con số thống kê hiện nay Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy" - ĐB Vũ Hồng Anh nói.

Việc giảm thuế TTĐB, theo ĐB này, cũng sẽ tạo điều kiện để người dân có cơ hội mua xe phục vụ cho nhu cầu đi lại chính đáng của mình, đồng thời cũng phù hợp với định hướng của Bộ Giao thông vận tải về thị phần của các loại phương tiện tham gia giao thông trong cả nước nói chung và cho Hà Nội nói riêng. Theo định hướng của Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, ở Hà Nội thị phần vận tải của xe đạp chiếm 4%, xe máy là 30%, xe con và xe taxi chiếm 17% tức là tăng khoảng gần 6 lần so với hiện nay.

Ngoài ra, việc giảm thuế TTĐB đối với ô tô từ 5 chỗ ngồi trở xuống tất nhiên sẽ có tác động đến tình hình nhập khẩu, nhưng không thể khẳng định việc giảm này sẽ làm gia tăng tình hình nhập siêu bởi vì công cụ thuế cơ bản để hạn chế tình trạng nhập siêu là thuế nhập khẩu. Thực tiễn những tháng qua cho thấy khi Chính phủ nâng mức thuế nhập khẩu đối với ô tô thì tình hình nhập khẩu ô tô đã giảm xuống rõ rệt. Bên cạnh đó việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô từ 5 chỗ trở xuống còn có tác động tích cực đối với tiến trình nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô ở nước ta hiện nay.

autovina