Trải nghiệm lái tốt hơn cùng công nghệ G-Vectoring Control của Mazda

(Autovina) - Hãng xe Nhật Bản Mazda vừa dành khoảng 8 năm để cho ra đời công nghệ có tên gọi G-Vectoring Control (Kiểm soát véctơ gia tốc).

Hãng xe Nhật Bản Mazda đã dành khoảng 8 năm để cho ra đời công nghệ có tên gọi G-Vectoring Control (Kiểm soát véctơ gia tốc), hứa hẹn biến mỗi hành trình trở thành trải nghiệm thật sự phấn khích cho mỗi lái xe.

G-Vectoring Control

Đây là xác nhận từ đội ngũ kỹ sư thiết kế của Mazda tại một cuộc họp báo diễn ra tại đường đua Mazda Raceway Laguna Seca. Jeremy Barnes, giám đốc truyền thông của Mazda cho biết: “Các kỹ sư của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình” và thực tế cho thấy, công nghệ G-Vectoring Control (Kiểm soát véctơ gia tốc) đã mang lại những ảnh hưởng và tác động tích cực tới người lái.

G-Vectoring Control chỉ được kích hoạt khi máy tính trên xe “đọc” đồng thời các dữ liệu đầu vào của hệ thống lái và bướm ga. Dữ liệu nhận được – bao gồm vị trí bướm ga, góc lái và chủ yếu là tốc độ điều chỉnh góc lái của lái xe nhanh tới đâu – sau đó sẽ được xử lý bằng một thuật toán để giảm mômen quay của động cơ, giúp giảm trọng lượng xe, tăng độ bám của bánh xe. Hệ thống này sẽ xuất hiện trên các mẫu sedan Mazda6 2017, dự kiến góp mặt tại các showroom vào cuối năm nay, sau đó sẽ là Mazda3 2017.

Về thực chất, sự “tinh tế” của công nghệ G-Vectoring Control được thể hiện ở khả năng dò tìm khoảng 1/10 của 10 góc lái, sau đó nhẹ nhàng thay đổi lực ôm cua từ 0,1 tới 0,5 g. Dave Coleman, kỹ sư phát triển xe của Mazda bày tỏ: “Sự thay đổi diễn ra êm nhẹ tới nỗi người lái thậm chí không cảm thấy điều gì”. 

G-Vectoring Control

Trên thực tế, công nghệ G-Vectoring làm giảm góc lái khi xe vào cua cũng như tốc độ quay vô lăng của người lái. Để chứng minh điều này, Kelvin Hirashi, giám đốc nghiên cứu & phát triển của Mazda đã sử dụng kỹ thuật “ride shotgun” (điều khiển xe với một người ngồi kế bên trong suốt hành trình xe chạy) và chiếc xe được thử nghiệm là Mazda6. Tất cả thao tác bật-tắt G-Vectoring được thực hiện chỉ bằng một nút bấm (ở các phiên bản xe sản xuất, tính năng này luôn luôn được kích hoạt sẵn).

Giám đốc Hirashi đã cho xe chạy qua nhiều chặng, trong đó có đường đua Mazda Raceway Laguna Seca. Trong khi đó, một kỹ sư khác tiến hành đo dữ liệu đầu vào của hệ thống lái bằng phần mềm Matrix và máy tính điện tử. Cảm nhận nhìn chung là, nếu nhìn vào đồ thị đầu ra, sẽ thấy dữ liệu về hệ thống lái thực sự đã giảm đi phần nào. 

Có hai thời điểm công nghệ G-Vectoring mang tới thay đổi đáng chú ý. Lần đầu là việc xe nghiêng một chút khi vào cua và lần thứ hai là trong khi cua qua một bề mặt ẩm ướt nhân tạo – giới hạn cao nhất của độ bám dính. Hầu hết các lái xe cần để ý tới điều này. Bề mặt ẩm ướt này được thiết kế sao cho các lốp xe chỉ “chớm” mất đi một chút độ bám dính khi người lái không kích hoạt G-Vectoring. Khi duy trì cùng tốc độ và bật tính năng này, chiếc xe được hỗ trợ thêm độ bám để “băng” qua thử thách về mặt đường. 

G-Vectoring Control

Các kỹ sư của Mazda cho hay, G-Vectoring thậm chí còn “kỳ diệu” hơn ở điều kiện tuyết rơi. Trong các đoạn clip được thực hiện tại Nhật Bản dưới đây, có thể thấy hệ thống này đã giảm đáng kể hàng ngàn dữ liệu đầu vào siêu nhỏ để giữ xe chạy thẳng trên bề mặt gồ ghề và bám tuyết.

Trong một clip khác, G-Vectoring được cho là mang lại những tác động tới hành khách trên xe. Khi ngồi trên một chiếc Mazda Atenza wagon “gợi cảm” (phiên bản mui dài của Mazda6 không xuất hiện tại Mỹ), lực gia tốc hướng tâm (g-force) sẽ đẩy hành khách sang một bên mà không cần kích hoạt hệ thống.

Dưới đây là video giới thiệu về công nghệ G-Vectoring của Mazda

Nhìn chung, G-Vectoring Control là công nghệ tinh tế khiến người lái như “không cảm nhận gì”, ngay cả ở một mẫu Mazda6, khi các kỹ sư có thể tắt tính năng này chỉ bằng việc bấm nút. Hãng xe Nhật Bản đã mất gần một thập kỷ để phát triển công nghệ này, cho dù không phải khách hàng nào cũng nhận thức được...sự tồn tại của nó. Tất cả đều dựa trên triết lý có tên gọi Hashiru Yorokobi của Mazda, có nghĩa là “niềm vui khi lái xe”.

Giám đốc Hirashi nhấn mạnh: “Không phải là niềm vui của việc lái xe mà là niềm vui có được khi bạn lái xe. Đó là tất cả những gì xảy đến khi chúng ta cầm lái. Nếu như phần lớn các hãng xe không mặn mà với việc “ném” một đống tiền vào những công nghệ mà ngay cả khách hàng cũng chẳng nhận ra thì với Mazda, đây là một phần của chủ nghĩa hài-lòng-tuyệt-đối để biến việc ngồi sau vô lăng trở thành trải nghiệm thú vị và trực quan”. 

Và theo kỹ sư Dave Coleman thì: “Đây không phải là mômen định hướng. Rõ ràng hệ thống này không làm xoay chiếc xe. Chỉ một số ít khách hàng biết cách khai thác triệt để tính năng này. Hoàn toàn không có lực tác động miễn cưỡng nào ở đây. G-Vectoring Control hoạt động ở cả 3 hướng và cho hiệu quả tích cực trong rất nhiều tình huống lái xe”. Tóm lại, các lái xe có thể không nắm được cơ chế vì sao G-Vectoring đem lại trải nghiệm thú vị trong khi lái, nhưng họ vẫn có thể cảm nhận được nó.

Công nghệ kiểm soát véctơ gia tốc mới chỉ được bắt đầu, lần trình diện đầu tiên là trong công nghệ điều khiển động học mà Mazda gọi là SkyActiv Vehicle Dynamics. Theo hé lộ của giám đốc Hirashi, tất cả những tính năng này đều sẽ giống như G-Vectoring – được thiết kế trực quan và tinh tế.

Đây là thành quả nhiều năm nghiên cứu “lấy người lái làm trọng tâm” của Mazda và những tìm tòi để tái tạo chuyển động xe theo cách hết sức tự nhiên đối với con người. Dave Coleman lý giải: “Phản ứng cơ thể thực ra nằm ở...cổ người lái”. Việc giữ đầu thẳng đứng là kết quả của hàng ngàn phép tính toán về tiềm thức mà tâm trí chúng ta thực hiện ở mỗi giây. Và Mazda hi vọng rằng việc làm chủ vô lăng cũng sẽ đem lại cảm nhận tự nhiên cho khách hàng. 

Theo Autoblog