Toyota Việt Nam: Chúng tôi muốn duy trì lắp ráp xe

Admin
(Autovina) – Tổng GĐ Toyota Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta đã nêu quan điểm chính thức về đề xuất của Toyota Việt Nam (TMV) với Chính phủ về chính sách hỗ trợ thuế để phát triển công nghiệp ô tô sau 2018.

(Autovina) – Hôm nay Tổng GĐ Toyota Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta đã nêu quan điểm chính thức về đề xuất của Toyota Việt Nam (TMV) với Chính phủ về chính sách hỗ trợ thuế để phát triển công nghiệp ô tô sau 2018.

Toyota sản xuất hay nhập khẩu sau 2018

Sau đây là toàn bộ nội dung thư trả lời báo chí của ông Yoshihisa Maruta:

1. Như chúng tôi được biết rằng TMV đã gửi đề xuất tới Bộ Công Thương về những chính sách hỗ trợ cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô sau năm 2018. Xin ông có thể cho chúng tôi biết thêm chi tiết về đề suất này?         

-  Hiện tại chúng tôi vẫn đang trong quá trình thảo luận với Bộ Công Thương và Chính phủ, vì vậy, tại thời điểm hiện tại, tôi chưa thể nói một cách cụ thể về chi tiết mà chỉ có thể giải thích về quan điểm chung.

-  Như Quý vị đã biết, thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018. Vì vậy, 2015 là thời điểm rất quan trọng đối với chúng tôi và các nhà sản xuất ô tô trong việc chuẩn bị và xây dựng kế hoạch để có thể tồn tại cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với xe nguyên chiếc nhâp khẩu từ ASEAN sau thời điểm 2018. 


-  Đối với TMV, chúng tôi luôn mong muốn duy trì và phát triển sản xuất cũng như tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô VN. 


-  Do vậy, chúng tôi đang nghiên cứu, thảo luận với Bộ Công Thương và Chính phủ nhằm giúp tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phát triển ngành công nghiệp ô tô VN. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện và đưa ra các chính sách cụ thể cho Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm ngoái. 


2. Trong kiến nghị của TMV, có bao gồm 4 nội dung đề suất cho việc hỗ trợ. Liệu chúng tôi có thể hiểu rằng những nội dung này chính là điều kiện để TMV tiếp tục sản xuất tại VN?

- Tôi xin khẳng định, cách hiểu này là không chính xác. Đây không phải là những điều kiện mà TMV đưa ra để tiếp tục sản xuất tại VN. Thực chất, chúng tôi kiến nghị 4 phương án này có thể là những giải pháp khả thi và có thể cân nhắc áp dụng để duy trì và phát triển sản xuất trong nước sau năm 2018. Vì vậy, chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với Chính phủ về tính khả thi của từng phương án nhằm mục đích tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

3. Có thông tin cho rằng TMV đang yêu cầu chính phủ hỗ trợ 10% giá trị xe, tương đương 2 tỉ đô. Thông tin này có chính xác không?

-  Thông tin này không chính xác. Chúng tôi không đề suất hỗ trợ 10% giá trị xe hay giá thành xe 


-  Khi thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018, chênh lệch chi phí giữa xe CKD và CBU sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước (xin hiểu rõ rằng chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thành xe). Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất lên Chính Phủ hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để có thể phần nào giảm được sự chênh lệch chi phí này bằng cách điều chỉnh chính sách thuế trong giai đoạn đầu chuyển đổi cho đến khi thị trường lớn hơn. 


-  Như quý vị đã biết, công nghiệp ô tô là một trong những ngành mũi nhọn quan trọng của đất nước. Khi 
công nghiệp ô tô phát triển, nó sẽ mang đến nhiều lợi ích và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, giảm thâm hụt thương mại và phát triển công nghiệp phụ trợ... Do vậy, theo như định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 7 năm ngoái, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ cùng chung tay và hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để có thể duy trì và phát triển sản xuất trong nước. 


4. Theo cam kết của WTO, trợ giá là vi phạm các điều khoản trong cam kết. Vì vậy, Chính Phủ sẽ không được phép hỗ trợ trực tiếp cho giá của sản phẩm. Và như vậy, có khả năng đề xuất của TMV sẽ không được thông qua. Ông nhận định gì về điều này?

-  Tuân thủ các quy định của WTO là vấn đề của Chính Phủ. Vì vậy, chúng tôi không được phép bàn luận và trả lời liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi chỉ đề suất cụ thể hóa việc thay đổi chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ cho sản xuất trong nước phát triển, điều mà đã được đề cập trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt. 


-  Thông tin để quý vị tham khảo thêm, nhiều chính sách thuế phí tương tự nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước hiện cũng đang được áp dụng tại nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. 


5.  Tại sao TMV đề xuất thay đổi cách tính thuế SCT đối với xe CKD?

-  Hiện nay, cơ sở để tính thuế TTĐB đối với xe CKD là dựa trên giá bán buôn, trong khi đó đối với xe CBU thì chỉ dựa trên giá CIF nhập khẩu. Điều này là không công bằng và thực sự khiến thuế TTĐB đối với xe CKD cao hơn xe CBU, bởi vì cơ sở tính thuế TTĐB cho CKD (giá bán buôn) còn bao gồm cả chi phí hành chính, vận chuyển, chi phí bán hàng và lợi nhuận của nhà sản xuất.... Chính vì vậy, để đảm bảo sự công bằng giữa xe CKD & CBU, chúng tôi đề xuất điều chỉnh và áp chung một cơ sở tính thuế TTĐB cho cả xe CKD và CBU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt.

-  Trên thực tế, hiện một số nước ASEAN cũng đang áp dụng giá xuất xưởng làm cơ sở để tính thuế TTĐB cho xe sản xuất trong nước.

6.
 Tại sao TMV đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD?

-  Như quý vị thấy rõ, hiện đang tồn tại sự chênh lệch về chi phí giữa xe sản xuất trong nước tại Việt nam và xe nhập khẩu từ ASEAN. Vì vậy, sau năm 2018, xe sản xuất trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu. Vì lý do đó, chúng tôi đã đề suất lên Chính Phủ hỗ trợ bằng cách giảm thuế TTĐB để giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho xe sản xuất trong nước. Nếu được như vậy, điều này sẽ giúp cho cả sản xuất ô tô trong nước và khách hàng đều được hưởng lợi. 


-  Trên thực tế, một số quốc gia khác cũng đã áp dụng chính sách hỗ trợ thuế TTĐB tương tự và họ cũng đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. 


7. Tại sao TMV đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ Nhật xuống còn 0%?

-  Thái Lan và Indonesia hiện đang áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện & cụm linh kiện từ Nhật Bản là 0%. Và đây là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất đối với xe sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan. Do đó, để tạo sự công bằng cho xe sản xuất tại Việt nam và xe nhập khẩu từ Thái lan và Indonesia, mức thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng từ Nhật Bản cần cân nhắc để áp ở mức tương tự 0%. 


8. Nếu chính phủ đồng ý hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô, liệu giá xe sẽ giảm như thế nào?

-  Chúng tôi chưa biết trong tương lai giá xe sẽ như thế nào bởi vì chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng, bên cạnh đó, giá xe còn được quyết định bởi nhiều yếu tố như là tỷ giá hối đoái và chi phí nguyên vật liệu... 


9. Xin ông cho biết điều kiện để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất tại VN sau năm 2018?

-  Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng thị trường ô tô Việt nam sẽ lớn mạnh và ngành công nghiệp ô tô sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

-  Hiện nay, vấn đề đặt ra là khi thuế CEPT sẽ về mức bằng 0% trước khi thị trường đủ lớn

-  Do vậy, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, chúng tôi cho rằng có 2 điểm quan trọng cần được cân nhắc 
chú trọng:

o Thứ nhất là áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô cho đến khi thị trường có dung lượng đủ lớn


o Thứ hai là áp dụng chính sách thuế phí ổn định và tiếp tục phát triển thị trường

10. Một số nhà sản xuất ô tô có ý định chuyển sang nhập khẩu xe sau 2018. TMV có kế hoạch chuyển sang nhập khẩu không?

-  Chúng tôi thực sự mong muốn duy trì sản xuất các mẫu xe CKD tại Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể trả lời về kế hoạch chi tiết.


11. Liệu chúng tôi có thể hiểu rằng TMV sẽ tiếp tục sản xuất trong tương lai ngay cả khi Chính phủ không đồng ý bất kỳ đề xuất hỗ trợ nào?

-  Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi trong điều kiện “Nếu” 


-  Chúng tôi tin tưởng rằng Chính phủ sẽ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển ngành CN ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm ngoái

12. Mặc dù TMV có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất trong các hãng ô tô nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với cam kết ban đầu. Vậy, Kế hoạch của TMV để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong thời gian tới là gì?

-  Chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm chi phí, bởi vì trên thưc tế, phụ tùng nội địa rẻ hơn phụ tùng nhập khẩu. Và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực công việc này trong tương lai 


-  Tuy nhiên, chi phí phụ tùng cao hay thấp lại phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng, cũng như để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thì cần nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn kiên định, từng bước, từng bước cải thiện tỷ lệ nội địa hóa.