Thị trường xe hơi cuối năm: Cung vẫn không đủ cầu

Admin
Mặc dù từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và thậm chí giảm cả thuế linh kiện, nhưng đúng như nhiều người nhận định, chuyện giảm giá ô tô lắp ráp trong nước vẫn chỉ là mơ ước. Thị trường xe lắp ráp trong thời điểm hiện nay lại đang nóng lên do cung không đủ cầu, người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu thiệt thòi...

“Không có hàng bán - lấy gì giảm giá” (!?)

Đó là câu trả lời của hầu hết các đại lý và salon của các hãng xe lắp ráp trong nước trên địa bàn TPHCM với chúng tôi khi đi khảo sát thị trường trong mấy ngày vừa qua.

Tại cửa hàng của Vidamco, số 121 Lê Lợi, quận 1 - TPHCM, trong vai khách hàng cần mua xe Chevrolet Captiva, chúng tôi được anh Phùng Văn Minh, nhân viên bán hàng, tận tình giới thiệu cho xem từng loại. Với loại LS giá 29.200 USD, LT ghế nỉ giá 31.500 USD, ghế da 32.300 USD và loại LTZ số tự động 34.200 USD.

Nhưng khi hỏi mua xe ngay được không, anh Minh trả lời: Vì lượng xe được hãng rót về chỉ vài chục chiếc mỗi tháng mà người đặt mua cao gấp chục lần, do vậy nếu khách hàng mua xe ký hợp đồng đặt cọc phải 1 năm sau mới có xe giao.

Tại đại lý của Vidamco trên đường Tôn Đức Thắng, các nhân viên bán hàng còn cho biết thêm: Không chỉ Captiva, mà ngay cả các loại xe như Matiz, Gentra hay Lacetti đến thời điểm này khách hàng muốn mua xe cũng phải đặt cọc chờ vài tháng mới có xe.

Ngay cả đến hãng xe Toyota cũng trong tình trạng cung không đủ cầu. Sáng 14-11, tại salon của Công ty Cổ phần Toyota Đông Sài Gòn, nhân viên bán hàng ở đây cho biết: Muốn mua xe Innova, đặt cọc đến tháng 1-2008 mới có xe, còn các loại xe như Vios 1.5E, Camry 2.4G thì tháng 3-2008 mới giao hàng.

Khác hẳn với các mặt hàng khác, thông thường cuối năm nhà sản xuất thường khuyến mãi để kích cầu, riêng mặt hàng ô tô lắp ráp trong nước, các nhân viên bán hàng đều trả lời: “Không có hàng để bán, lấy gì để giảm giá”.

Có hay không sự đầu cơ làm giá?

Thực tế với xe lắp ráp trong nước càng về những ngày cuối năm thì áp lực cung không đủ cầu là có thật. Song theo một giám đốc doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, muốn có xe ngay thường phải chi thêm một số tiền cho các nhân viên bán hàng để “nhờ” sang lại của khách hàng khác. Và anh đã phải chi thêm hơn 3.000 USD để mua được chiếc xe Camry 2.4G chỉ trong vòng 1 tuần.

Tương tự, ở một số đại lý khác khi khách yêu cầu có xe Captiva trong vòng 10 ngày, một số nhân viên hứa hẹn “sẽ tìm khách sang lại” và dĩ nhiên phải chi thêm gần 3.000 USD nữa so với giá của hãng.

Một số salon có xe đáp ứng ngay nhu cầu khách hàng khi mua xe Innova nhưng với điều kiện xe đã được “độ” thêm một số món như ghế da, mạ tay nắm cửa, bảo hiểm đèn, gắn cản trước, cản sau... Dĩ nhiên là thêm một số tiền đáng kể cho những món “độ” thêm này.

Theo các chuyên gia, lợi dụng thị trường cung không đủ cầu đã có biểu hiện một số người đầu cơ - thậm chí là người bên trong các đại lý “xí phần” trước để bán lại ăn chênh lệch. Bởi hơn ai hết, họ biết trước được nguồn cung và cầu mất cân đối như thế nào hằng ngày chứ không phải hằng tháng. Điều này dẫn đến người tiêu dùng lại bị thiệt thòi... kép, mà nguyên nhân như nhận định của anh Lê Đức Trung, buôn bán xe hơi lâu năm: Chính sách thuế bất hợp lý. Anh nói thêm: “Có lẽ trên thế giới không đâu như nước mình, thu nhập vào loại những nước thấp nhất, mà giá nhà đất, xe hơi đắt gấp mấy lần các nước giàu, nhưng người dân phải xếp hàng, chờ đợi nộp tiền trước cả năm trời mới mua được một chiếc xe hơi thì thật là phi lý”...

Hoàng Nhân

autovina