Tham vọng của ngành công nghiệp xe máy

Admin
Ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 02/2007/QĐ-BCT phê duyệt bản “Quy hoạch phát triển công nghiệp xe máy Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020”, qua đó tỏ rõ quyết tâm và tham vọng của ngành công nghiệp này.

Trung tâm thiết kế và sản xuất của khu vực:

Tại bản quy hoạch này, đơn vị chủ trì xây dựng là Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã phân tích khá rõ lịch sử phát triển và những sở trường, sở đoản của ngành công nghiệp xe máy Việt Nam.

Dựa trên những thông số đó cùng những dự báo về thị trường xe máy trong nước và thế giới, nhóm chuyên gia đã vạch ra một mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn và chất lượng cao trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Bộ Công Thương, ngay trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2010 sẽ đưa vào hoạt động một số trung tâm nghiên cứu và thiết kế xe máy.

Nhiệm vụ xa hơn là cả các doanh nghiệp cùng các cơ quan chuyên ngành sẽ cùng nhau đẩy mạnh các hoạt động thiết kế, mua thiết kế mẫu mã sản phẩm và linh kiện theo hướng phát triển các dòng xe chất lượng cao, tuyệt đối không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất kinh doanh.

Dự kiến trước 2010, trên cơ sở một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp sáp nhập tự nguyện, Nhà nước có thể sẽ có những chính sách tài chính hỗ trợ việc đào tạo, chuyển giao công nghệ từ đó hình thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển các mẫu xe máy mới. Bước đầu Nhà nước có thể hỗ trợ chí phí mua bản quyền sản xuất một vài mẫu xe để dùng chung và việc thiết kế, sản xuất các khuôn mẫu.

Xuất khẩu đạt 1 tỷ USD:

Bản quy hoạch này cũng đã vạch ra một tương lai sáng sủa cho ngành công nghiệp xe máy Việt Nam là đến năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Nếu không không thể đạt được mục tiêu đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu xe máy cũng sẽ không ở dưới mức 800 triệu USD.

Trước khi đạt mục tiêu đó, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp đã thiết kế một “mâm cỗ” để toàn ngành, trong đó bao gồm cả các cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu, tổ chức tài chính, khối doanh nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy tham gia chế biến từng món rồi bày lên.

Trong đó đáng kể là các mục tiêu như đến năm 2010 sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu xe thông dụng ở khu vực nông thôn, 90% nhu cầu xe máy ở khu vực thành thị; phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước tại phân khúc xe tay ga trên 60%, các dòng xe số trên 90%; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2 theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.

Về mục tiêu xuất khẩu, cố gắng đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, trong đó 50% là xe nguyên chiếc và bộ linh kiện đồng bộ; đến năm 2015 sẽ nâng con số này lên mức 500 triệu USD, trong đó có các loại động cơ, xe máy sử dụng nhiên liệu “sạch”.

* Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp cho biết, thị trường xe máy thế giới vẫn đang tăng trưởng với mức từ 5-6%/năm, các nước đang phát triển là khu vực sản xuất và tiêu thụ xe máy lớn nhất.

Hiện sản lượng xe máy cả thế giới đạt 43 triệu xe/năm, trong đó Trung Quốc chiếm 42%, Ấn độ 15%, khu vực Đông Nam Á 22%. Châu Á là thị trường tiêu thụ xe máy lớn nhất chiếm khoảng 87% toàn thế giới trong đó Trung Quốc khoảng 10 triệu xe/năm, Ấn Độ 5 triệu xe/năm, Indonexia 5 triệu xe/năm, Thái Lan 2 triệu xe/năm, Việt Nam 2 triệu xe/năm, Nhật Bản và Đài Loan khoảng 10 triệu xe/năm.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu xe máy Việt Nam năm 2005 đạt khoảng 70 triệu USD và năm 2006 đạt 100 triệu USD.

autovina