Tăng hạng giấy phép lái xe phải có xác nhận số km an toàn

Admin
Ngoài việc dự thi lý thuyết trên máy tính, thi thực hành để tăng hạng bằng thiết chấm điểm tự động, người dự sát hạch giấy phép lái xe còn phải có giấy xác nhận số km lái xe an toàn.

Bộ GTVT vừa ban hành 3 quyết định liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường an toàn giao thông. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó cục trưởng Đường bộ Việt Nam, các quyết định mới được sửa đổi theo hướng tăng câu hỏi lý thuyết khi đào tạo xe máy và chuẩn hoá, nâng cao chất lượng tại các cơ sở đào tạo, sát hạch ôtô.

Theo đó, người thi lý thuyết xe máy sẽ thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính. Người sát hạch lái ôtô sẽ thực hiện tại trung tâm có gắn thiết bị chấm điểm tự động, không có người chấm thi cùng trên xe sát hạch.

Bên cạnh đó, một quy định khá ngặt nghèo là người được phép tham gia sát hạch lái xe khi muốn tăng hạng phải có giấy xác nhận thời gian lái xe và số kilomet lái xe an toàn theo giấy phép do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xác nhận. Trường hợp lái xe chính là chủ xe hoặc xe của hộ gia đình thì phải có bản cam kết bảo đảm đủ thời gian hành nghề và số kilomet lái xe an toàn.

Cụ thể, nếu nâng từ hạng B1 lên B2 phải có thời gian lái xe ít nhất là 1 năm và có 12.000 km lái xe an toàn. Từ B2 lên hạng C, từ hạng C lên hạng D, từ hạng D lên hạng E và từ các hạng GPLX lên hạng F tương ứng phải có thời gian lái xe ít nhất 3 năm và có 50.000 km an toàn. Từ B2 lên hạng D, từ hạng C lên hạng E phải có thời gian lái xe ít nhất đủ 5 năm và có 100.000 km lái xe an toàn; Nâng lên các hạng D, E phải có trình độ văn hoá tốt nghiệp từ Trung học cơ sở trở lên.

Ngoài ra, người học thi lấy bằng lái xe sẽ được tăng thời gian học lý thuyết và thực hành từ các hạng B1 - F; tăng số tiết của bộ môn Đạo đức người lái xe lên gấp đôi.

Hạng A1: Cho phép điều khiển xe môtô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cc đến dưới 175cc.
Hạng A2: Cho phép điều khiển xe môtô 2 bánh nói chung, không giới hạn dung tích xi-lanh.
Hạng A3: Cho phép điều khiển môtô 3 bánh, xe lam, xích lô máy và các loại xe hạng A1, không áp dụng với phương tiện hạng A2.
Hạng B1: Dùng cho lái xe không chuyên nghiệp, được quyền điều khiển: Ôtô dưới 9 chỗ, kể cả người lái; Xe tải, xe chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg
Hạng B2: Cấp cho lái xe chuyên nghiệp, quy định quyền điều khiển các phương tiện hạng B1 và các xe cẩu bánh lốp có sức nâng thiết kế dưới 3.500 kg.
Hạng C: Cấp cho lái xe chuyên nghiệp, quy định quyền điều khiển: Ôtô tải và xe chuyên dùng có tải trọng thiết kế từ 3.500 kg trở lên. Đầu kéo, máy kéo 1 rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc có tải trọng thiết kế từ 3.500 kg trở lên. Cần cẩu bánh lốp có sức nâng thiết kế từ 3.500 kg trở lên.
Hạng D: Cấp cho lái xe chuyên nghiệp, quy định quyền điều khiển: Ôtô chở người từ 10-30 chỗ, tính cả ghế lái; các loại xe quy định trong hạng B1, B2, C.
Hạng E: Cấp cho lái xe chuyên nghiệp, quy định quyền điều khiển: Ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi, tính cả ghế lái; Các loại xe quy định trong hạng B1, B2, C, D.
Hạng F: Cấp cho người đã có giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E để điều khiển các loại xe tương ứng có kéo rơ-moóc trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg.

Đoàn Loan

autovina