Quý 1/2009, TP.HCM thử nghiệm xe buýt chạy ga

Admin
Đầu tháng 1/2009, TP.HCM sẽ có 2 chiếc xe buýt được đưa vào chạy thử nghiệm bằng khí thiên nhiên (CNG-Compressed Natural Gas), thay cho dầu diesel vào quý I/2009

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Dương Hồng Thanh đã cho biết như trên tại “Hội thảo ứng dụng CNG trong vận tải hành khách công cộng” tổ chức tại TP.HCM ngày 18/12.

Nhiên liệu sạch, tiết kiệm và an toàn

Xe buýt chạy thử nghiệm bằng khí thiên nhiên CNG  

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải của các loại xe cơ giới, vừa qua, Sở Giao thông vận tải) (GTVT) TP.HCM và Công ty cổ phần khí hóa lỏng miền Nam đã phối hợp triển khai kế hoạch ứng dụng khí nén thiên nhiên (CNG) cho hoạt động xe buýt tại TP.HCM.

Được biết, xe buýt sử dụng khí thiên nhiên thay cho dầu diesel sẽ tiết kiệm được 50% giá thành vận chuyển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trước mắt, sẽ có 2 chiếc xe buýt được đưa vào chạy thử nghiệm bằng khí thiên nhiên (CNG-Compressed Natural Gas), thay cho dầu diesel vào quý I/2009.

Hiện tại, hai xe buýt sử dụng CNG đã được nhập về từ Hàn Quốc để giao Công ty Xe khách Sài Gòn và Liên hiệp HTX Vận tải TP quản lý.

Theo kế hoạch, giai đoạn II (2009-201) Sở GTVT sẽ tiến hành chuyển đổi và đưa vào hoạt động 38 chuyến xe buýt trên 02 tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - Suối Tiên) và tuyến số 91 (Bến xe Miền Tây - chợ nông sản Thủ Đức.

Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện bằng 3 phương pháp, như: phương pháp lắp thêm bộ chuyển đổi; phương pháp thay thế động cơ CNG hoặc đầu tư mua mới xe buýt sử dụng CNG bằng cách chuyển đổi dần dần số xe buýt loại lớn (B80) và loại trung (B55) sang sử dụng CNG.

Dự kiến tới cuối năm 2011 sẽ đưa vào sử dụng khoảng gần 100 xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ông Dương Hồng Thanh cũng cho biết thêm, hiện chưa thể đưa ra mức giá cụ thể nhưng theo tính toán sơ bộ thì một xe buýt sử dụng dầu diesel phải dùng 2,59 lít/km, giá thành vận chuyển là 5.386,1 đồng/km. Còn dùng CNG chỉ tiêu hao 2,1 km/m3, giá thành vận chuyển là 3.432,4 đồng/km.

Ngoài giá thành rẻ, việc sử dụng khí nén thiên nhiên CNG còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và rất an toàn khi sử dụng. Một chiếc xe buýt sử dụng CNG sẽ giảm 60% lượng carbon monoxide và 10% nitrogen oxide (khí gây nguy hại cho sức khỏe con người).

Ngoài ra, so với các loại xăng dầu xe sử dụng thì nhiệt độ phát hỏa tự nhiên của gas cao hơn nên sẽ giảm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Sẽ tiến hành triển khai đại trà việc sử dụng CNG

Trong tương lai,  không chỉ có xe buýt mà tắc xi  cũng sẽ chuyển sang sử dụng CNG  

“Trước mắt, TP.HCM sẽ áp dụng chuyển đổi động cơ cho xe buýt chạy thử nghiệm 2 tuyến vào đầu năm 2009. Sau khi kết thúc đợt thử nghiệm, cuối năm 2009 sẽ từng bước làm hệ thống đại trà cho toàn thành phố. Sau đó sẽ tiến hành ứng dụng vào các hệ thống giao thông khác như tắc xi, xe tư nhân, xe tải… đều có thể sử dụng được” Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lạc quan cho biết.

Ngoài ra, ông Thắng còn cho biết thêm, trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị trong ngành triển khai khoảng 100 xe tắc xi đầu tiên sử dụng CNG ở TP.HCM.

Về nguồn cung cấp, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Thắng cho biết: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có khả năng cung cấp CNG cho xe buýt tại TP.HCM trong năm 2009 khoảng 50 triệu m3 và đến năm 2010 là hơn 120 triệu m3/năm.

Sẽ có 3 nguồn cung cấp CNG cho ôtô bus tại TP.HCM là: Từ nhà máy Dinh Cố (KCN Phú Mỹ ) đến các nhà máy sản xuất CNG vào đầu năm 2009 với sản lượng 50 triệum3/năm.

Nguồn thứ 2 được cung cấp từ các nguồn khí thu gom các mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam, đưa về bờ tách lọc, xử lý tại KCN Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai, dự kiến khai thác vào đầu năm 2010 với sản lượng 50-70 triệu m3/năm.

Nguồn thứ 3 từ kho lạnh Tây Nam, KCN Hiệp Phước TP.HCM. Dự kiến khai thác vào năm 2012.

“Hai khó khăn trong việc triển khai dự án này là vấn đề về công nghệ và đầu tư cho các hệ thống xe Bus cũng như phương tiện giao thông vận tải vì việc sử dụng CNG đòi hỏi số vốn rất lớn nên sẽ không tránh khỏi khó khăn cho các nhà đầu tư” ông Thắng nhấn mạnh.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM, ông Trần Quang Phượng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư về tài chính, thuế, kỹ thuật và chính sách.

Cụ thể, thành phố cần hỗ trợ một phần chi phí mua xe sử dụng khí CNG; cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để chuyển đổi hoặc mua mới phương tiện; cho phép doanh nghiệp xe buýt được giữ lại phần chênh lệch chi phí về nhiên liệu giữa dầu DO và CNG cho đến khi bù đắp được phần đầu tư ban đầu đối với xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG.

Riêng về chính sách, Sở GTVT kiến nghị, bắt đầu từ 2011 quy định bắt buộc đối với các dự án phát triển mới xe buýt có sức chở lớn trên địa bàn TP.HCM phải là xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG.

autovina