Piaggio Việt Nam và lời dự đoán: "Ế"!

Igorpok
Trong thông cáo báo chí, Piaggio Việt Nam khéo léo dự đoán Diamond Blue sẽ sớm “thất bại” như các sản phẩm khác từng ăn theo thiết kế của Vespa.
 
"Ăn theo” thiết kế Vespa LX: Sẽ thất bại!
 
Thông cáo báo chí của Piaggio
 
Piaggio đã có thông cáo báo chí về vấn đề Honda Diamond Blue có kiểu dáng “sao chép” của Vespa LX. Hãng khẳng định “đây không phải lần đầu Piaggio Việt Nam và Piaggio toàn cầu gặp những trường hợp như vậy”.
 
Không nhắc tới kiện cáo hay tranh chấp, Piaggio chỉ bóng gió rằng “nhiều công ty đã từng sản xuất sản phẩm ăn theo thiết kế của Vespa nhưng họ đều thất bại vì sản phẩm của họ không thể đạt tới chất lượng thiết kế và giá trị công nghệ cao cấp như Vespa”.
 
Đại diện liên doanh này khéo léo đưa ý kiến“người tiêu dùng Việt Nam đủ tính táo để nhận biết giá trị khác biệt của xe chính hãng so với các dòng sản phẩm ăn theo khác”.
 
 Diamond Blue là một sản phẩm hợp pháp
 
Luật sư Lê Hồng Cảnh, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn Chính sách Pháp luật - Công ty CP Tư vấn Quốc Gia Việt Nam đã khẳng định như vậy.
 
 
 
Có đủ giấy tờ nên Diamond Blue là một sản phẩm hợp pháp.
 
 
Theo luật sư Cảnh, kiểu dáng Diamond Blue có một số chi tiết giống Vespa LX. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, để xác định hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu cần phải căn cứ pháp luật mà cụ thể là nghị định 105 ban hành năm 2006 và giấy tờ liên quan do các bên cung cấp. Bên cạnh đó, việc giám định phải được tiến hành bởi một hội đồng giám định có chuyên môn, nghiệp vụ và được pháp luật công nhận.
 
 
 
 
Theo quy định, 3 đối tượng là cơ quan xử lý, chủ thể bị xâm phạm, đối tượng bị cho là xâm phạm có quyền yêu cầu giám định xem một sản phẩm có vi phạm quyền kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu của một sản phẩm khác hay không.
 
Trong trường hợp này, công ty Lisahaka đã yêu cầu Viện khoa học sở hữu trí tuệ giám định và kết luận: Diamond Blue không vi phạm quyền kiểu dáng công nghiệp của Vespa LX.
 
Dù vậy, theo luật sư Cảnh, nếu Piaggio Việt Nam đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và không đồng tình với kết luận của Viện khoa học sở hữu trí tuệ thì liên doanh này hoàn toàn có thể kiện hoặc yêu cầu một cơ quan giám định khác tiến hành giám định lại. Trong trường hợp hai kết luận không giống nhau thì có thể sẽ được đưa ra tòa phân định.
 
Tuy nhiên, nếu Piaggio mới chỉ đăng kí bảo hộ kiểu dáng trên thế giới nhưng chưa đăng kí ở Việt Nam thì hãng không có cơ sở để kiện Honda Diamond.
 
Ngoài ra, nếu Piaggio Việt Nam và Lisohaka có quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp nhưng không đăng ký được quyền bảo hộ độc quyền (đối với toàn bộ kiểu dáng hoặc một số chi tiết) thì đơn vị thứ 3 hoàn toàn có thể đưa ra thị trường một dòng sản phẩm có những nét thiết kế tương tự (và có một số chi tiết khác biệt) mà không vi phạm pháp luật.
 
 
 
 
Liên quan tới động cơ mang nhãn hiệu Honda, luật sư Cảnh nhận định nếu Lisohaka xuất trình được đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc sản phẩm như tờ khai hải quan, hợp đồng mua linh kiện do Honda Sundiro sản xuất… thì việc sử dụng linh kiện mang nhãn hiệu Honda này là hoàn toàn hợp pháp.
 
Nhận xét về tuyên bố của Honda Việt Nam với báo giới, luật sư Cảnh cho rằng: “Nếu Lisohaka có đủ giấy tờ thì động cơ họ nhập từ Honda Sundiro là đúng”, việc Honda Việt Nam hỏi thông tin từ Honda Motor và Honda Sundiro có xác thực hay không phải tùy thuộc vào việc “có văn bản chính thức hay không và ai là người trả lời, người đó có quyền phát ngôn hay không”. Đôi khi, “hỏi một ông bảo vệ trả lời cũng có thể gọi là công ty mẹ trả lời” luật sư này bình luận.
 
Bên cạnh đó, việc Honda Việt Nam được “ủy quyền bởi Honda Motor để sản xuất, phân phối động cơ và xe gắn máy mang nhãn hiệu Honda ra thị trường” chỉ là ủy quyền giữa 2 doanh nghiệp. Do đó, Honda Việt Nam không có quyền cấm các doanh nghiệp khác nhập khẩu linh kiện hoặc xe nguyên chiếc từ các công ty Honda trên toàn cầu.
 
Theo luật sư Cảnh, Diamond Blue đã có đủ giấy tờ chứng nhận từ cơ quan chức năng nên mẫu xe này là một sản phẩm hoàn toàn hợp pháp.

Theo VTC

Bùi Yến