Những thói quen xấu của cánh lái xe tải, xe khách đường dài

(Autovina) - Những lái xe tải hay xe khách đường dài đa phần đều phải có kinh nghiệm lái xe lâu năm, tuy nhiên họ vẫn giữ không ít thói quen xấu gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh

Đã là nhận vị trí của một tài xế xe tải hay xe khách, người đó ít nhiều cũng phải trải qua vài năm lái đủ các loại xe lớn nhỏ. Tuy nhiên tai nạn giao thông mà nguồn gốc xuất phát từ hai loại xe trên là không hề nhỏ, thậm chí mỗi lần ra đường đều bị coi là "hung thần". Một phần nguyên nhân của hiện tượng trên đến từ thói quen "xấu" và "tai hại" của khá nhiều tài xế.

các thói quen xấu của cánh lái xe tải, xe khách đường dài

1. Thường xuyên lấn làn:

Chạy xe đúng làn đường là quy định bắt buộc, không chỉ trên những đoạn đường cao tốc mà ngay cả khi lái xe đường dài. Tuy nhiên, do mệt mỏi hoặc mất tập trung hay do sức ép về thời gian, do phải bắt khách dọc đường mà nhiều tài xế xe tải, xe khách thường xuyên "lấn len" (tiếng lóng ám chỉ việc các tài xế lấn đường, lần tuyến) lại rất hay xảy ra. Trên thực tế, tại nhiều nơi, khi không lắp được các dải phân cách cứng, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này người lái không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi quanh cua liên tiếp.

Tuy nhiên quy định thì quy định, nhiều tài xế xe tải, xe khách cứ vô tư mà lấn mà chèn theo kiểu "xe to bắt nạt xe nhỏ". Thậm chí ngay cả trên những địa hình đường núi quanh co, nhiều lái xe vẫn vào cua ở tốc độ cao dẫn đến lấn làn với lời bao biện "Đường đi quen rồi lo gì". Và từ đó không ít các tai nạn thương tâm xảy ra.

2. Chủ quan trong việc chuẩn bị xe:

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như vào các đợt cao điểm mà nhu cầu đi lại hay chuyên chở hàng hóa tăng đột biến (Lễ tết, thu hoạch nông sản....). Khi đó sức ép từ các nhà xe về thời gian di chuyển để "quay đầu" xe cho nhanh, nhiều tài xế bỏ qua các khâu kiểm tra xe hay bảo dưỡng cần thiết. Như việc kiểm tra lốp, phanh, mức dầu các loại, tình trạng ốc vít, bu lông sau những chuyến đi không còn được chú ý thường xuyên. Chỉ đến khi xảy ra sự cố nguy hiểm như đang chạy xe rơi bánh, long ốc, cháy phanh, mất lái, rơi trục các đăng...các tài xế mới hay biết.

3. Sử dụng đồ cũ:

Lốp xe là một trong những bộ phận được giới tài xế xe tải, xe khách thường xuyên sử dụng "lại". Thậm chí dù biết mình đang sử dụng lốp cũ, lốp đắp, không đúng quy cách, nhưng nhiều "bác tài" lên xe là cứ chăm chăm chỉ biết "phóng" sao cho kịp chuyến. Đường mưa, đường trơn, đường xấu nhưng với những chiếc lốp mòn, rách nhiều lái xe vẫn bất chấp lên đường (thường xảy ra ở các nhà xe nhỏ hay kém chất lượng, giá rẻ). Họ phó mặc và đánh đổi tính mạng không chỉ của mình mà còn cả hành khách, người đi đường vì kế sinh nhai, vì đồng tiền. 

Kể trên là những thói quen nguy hại thường thấy của các tài xế xe tải hay xe khách đường dài. Nguyên nhân thì có thể đến từ nhiều phía như chủ nhà xe luôn cố thu được lợi nhuận cao nhất có thể mà bất chấp nguy hiểm tính mạng của lái xe cũng như hành khách như ép chở quá tải, ép thời gian chạy xe, trang bị xe cũ, xe quá đát hay phụ tùng không đảm bảo.....Một phần cũng đến từ ý thức, văn hóa giao thông còn khá "hoang dã" của không ít tài xế. Hay sự dung dưỡng, "đi đêm" thỏa thuận ngầm của một số đơn vị Nhà Nước có chức năng kiểm tra giám sát hoạt động vận tải. Vì vậy đôi khi chế tài xử phạt là rất rõ ràng nhưng vẫn bị làm ngơ, coi thường dẫn đến không có sức răn đe.

Vì vậy có thể nói để giảm thiểu tình trạng trên thì không chỉ trông chờ vào sự thay đổi riêng của các lái xe tải, xe khách đường dài mà còn đến từ nhiều bên liên quan khách nữa. Mới tạo ra một sự chuyển biến đồng bộ, tới tận gốc rễ vấn đề.

Dưới đây, bài viết bổ sung thêm Một số lưu ý thêm khi lái xe đường dài:

Để hạn chế các tình trạng trên cũng như nhiều tình huống khác có thể phát sinh ngoài dự kiến, trước mỗi chuyến đi xa, lái xe nên chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng mọi dụng cụ cần thiết cũng như kiểm tra các bộ phận quan trọng của xe.

Một số chi tiết cần đặc biệt lưu ý bao gồm:

- Kiểm tra mức dầu động cơ

- Kiểm tra dầu hộp số tự động

- Kiểm tra chất làm mát động cơ

- Kiểm tra ắc quy

- Kiểm tra các thiết bị khác cạnh ắc quy như: dây đai truyền động, dầu phanh, dầu tay lái, bình chứa nước làm sạch kính (để bảo đảm vẫn còn đầy). Ngoài ra, đừng quên thay lọc gió mới nếu lọc cũ đã bị bẩn.

- Kiểm tra áp suất lốp và bơm nếu cần thiết.

- Kiểm tra hệ thống treo và hệ thống lái, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như rung, lắc hay âm thanh lạ thì cần khẩn trương đưa xe đến các cơ sở sửa chữa uy tín. Tuyệt đối không có gắng sử dụng xe tránh xảy ra các tai nạn, sự cố không đáng có.

Tham khảo Dantri