Những điều cần biết về túi khí ôtô

(Autovina) - Túi khí giữ vai trò bảo vệ người lái và hành khách trên xe khi xảy ra va chạm. Bạn đã hiểu đúng về thiết bị an toàn này?

Túi khí được các nhà sản xuất ôtô trang bị để bung ra khi xảy ra tác động va chạm mạnh nhằm bảo vệ cho người lái và hành khách trên xe. Tuy nhiên, bạn đã hiểu thực sự đúng về “thần hộ mệnh” này?

Túi khí xe hơi

Túi khí cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.

Khi ôtô gặp tác động va chạm mạnh, túi khí có nhiệm vụ bung ra để cứu người ngồi trong xe khỏi bị thương tích. Ngày nay, túi khí là thiết bị an toàn bắt buộc phải trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết xe hơi và Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên yêu cầu tất cả xe hơi có mặt trên thị trường đều phải được lắp ít nhất hai túi khí: túi khí tại vô lăng để bảo vệ lái xe và túi khí tại ghế hành khách phía trước (cạnh ghế lái xe).

Túi khí ôtô hoạt động như thế nào?

Bạn vẫn thường nghe có những vụ tai nạn xảy ra mà túi khí không bung, cho dù đó là một chiếc xe hơi tầm cỡ. Vậy chính xác khi nào túi khí cần bung? Trên thực tế, mỗi khi xảy ra va chạm, cảm biến có tên ACU sẽ “nhận diện” va chạm qua máy đo gia tốc, sau đó kích hoạt hệ thống bơm phồng túi khí. Lượng khí gas lớn nén trong thể tích nhỏ khiến túi khí bung ra với tốc độ nhanh và cực lớn, khoảng 300 km/h và bạn sẽ lập tức nghe thấy tiếng “Bụp” cực lớn nếu đang ngồi trong xe khi đó. Trong vòng 5 giây, các khí này từ từ được thoát ra theo các lỗ nhỏ để người ngồi trong xe không bị mắc kẹt và gặp nguy hiểm.

Cách sử dụng túi khí an toàn:

Ở Việt Nam hiện nay, khá nhiều ôtô lắp ráp trong nước “lược bỏ” túi khí để giảm giá thành cạnh tranh. Hầu như những xe này chỉ được trang bị tối thiểu hai túi khí phía trên với chất lượng và giá thành tương đối thấp. Điều đó cũng đồng nghĩa, chỉ có một cảm biến túi khí được lắp ở cản trước.

Với 2 túi khí và một cảm biến nói trên, túi khí chỉ bung ra khi xảy ra va chạm mạnh phía đầu xe ở tốc độ trên dưới 30 km/h. Và điều nguy hiểm là với các trường hợp xe bị lật, va chạm giữa hai xe cùng chiều, bị đâm ngang hay bị đâm vào vật mảnh mà chưa chạm vào cảm biến (cột điện), sẽ không làm bung túi khí. Do đó, trong những trường hợp này, túi khí không thể xem là “bùa hộ mệnh” để bảo vệ lái xe và hành khách và bạn chỉ có thể trông cậy vào đai an toàn để tự bảo vệ mình khỏi những va đập thứ cấp trong xe. Ngoài ra, ngay cả khi túi khí bung song với tốc độ 300 km/h, lực nén hoàn toàn có thể gây gãy xương cho người trưởng thành và đó là lý do bạn bắt buộc phải cài dây an toàn mỗi khi ngồi trong xe.

Tiết kiệm chi phí là điều bất cứ ai cũng muốn, đặc biệt khi quyết định tậu cho mình một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, tính mạng con người là điều quan trọng nhất và nếu buộc phải thay mới túi khí, đừng sử dụng những mặt hàng quá rẻ, chất lượng kém.

Những lưu ý về hành khách trên xe:

Tuyệt đối không cho trẻ em ngồi trên lòng người khác, đặc biệt là ở ghế trước bởi mỗi khi phanh gấp hay thay đổi hướng lái đột ngột, trẻ nhỏ sẽ bị văng ra theo quán tính, hết sức nguy hiểm. Bên cạnh trẻ em, người già hay phụ nữ có thai cũng không nên ngồi ở hàng ghế trước bởi nếu chẳng may gặp sự cố, túi khí nổ quá mạnh sẽ có thể gây phản tác dụng và khiến chúng ta bị thương (trên thực tế, điều này đã từng xảy ra trong một vài sự cố va chạm).

Tuyệt đối không dịch ghế quá gần đến vị trí đặt túi khí, không được gác chân, đặt đồ lên khoảng không gian mà túi khí có thể bung ra. Nên duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người ngồi và túi khí khoảng 25 cm. Để kiểm tra xem túi khí trên xe có hoạt động hay không, cần chú ý đèn báo hiển thị trên mặt táp lô. Hệ thống này có chức năng theo dõi cụm cảm biến túi khí, nguồn điện và bộ bơm.

Túi khí xe hơi

Bạn có bao giờ lưu ý biểu tượng túi khí (Airbag) trên táp lô? Đèn báo này sáng khi bật khóa điện và tắt đi sau khoảng 6 giây. Nếu bạn thấy đèn báo hiệu không sáng hay không tắt trong suốt quá trình lái xe thì đó cũng có thể là một dấu hiệu túi khí hay hệ thống báo gặp sự cố, cần kiểm tra ngay lập tức.

Tổng hợp