Mercedes-Benz triệu hồi 3 triệu xe tại Châu Âu do tranh cãi về động cơ diesel

(Autovina) - Những tranh cãi về diesel gần đây khiến Daimler buộc lòng phải thu hồi 3 triệu xe Mercedes-Benz tại Châu Âu để giải quyết.

Mới đây Daimler xác nhận sẽ thu hồi 3 triệu xe Mercedes tại Châu Âu do những tranh cãi về động cơ diesel. Đây được xem là nỗ lực của ông lớn Đức để ngăn một cuộc điều tra mở rộng cũng như phản đối công khai rằng thương hiệu này đang trốn tránh thực hiện các quy định bảo vệ môi trường.

Mercedes thu hồi 3 triệu xe tại Châu Âu

Động thái này không được Daimler xác nhận là một đợt triệu hồi và đang được thực hiện trong bối cảnh ông lớn Đức phải đối mặt với các cuộc điều tra ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương xung quanh những cáo buộc liên quan tới động cơ diesel.

Theo khẳng định của Daimler thì: “Để cải thiện hiệu quả vấn đề khí thải trên những phiên bản mới hơn, Daimler hiện quyết định sẽ thu hồi trên 3 triệu xe Mercedes-Benz”. Được biết chiến dịch này sẽ khởi động trong vài tuần tới đây với chi phí lên tới 220 triệu Euro (xấp xỉ 321 triệu USD và tương đương 7,3 nghìn tỷ đồng).

Daimler cũng xác nhận sẽ tiến hành cập nhật phần mềm trong vòng một giờ để kiểm soát lượng khí thải trong nhiều điều kiện hơn. Trước đây, thiết bị kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường được lập trình để hoạt động với hiệu quả tối đa chỉ trong một phạm vi nhiệt độ rất hẹp. Nhưng nay thì phạm vi đó sẽ được mở rộng.

Trên thực tế, Daimler và các nhà sản xuất ôtô khác của Châu Âu đã phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề từ các nhóm bảo vệ môi trường cũng như chính phủ nhiều nước về những lỗ hổng trong việc thực hiện quy định. Những nghiên cứu của chính phủ Đức, Pháp và Anh đã cho thấy, nhiều xe ngừng kích hoạt kiểm soát ô nhiễm khi nhiệt độ bên ngoài xuống dưới 20 độ C.

Việc cập nhật phần mềm nói trên sẽ không được trang bị tại Mỹ trong giai đoạn đầu. Theo lời một phát ngôn viên của Daimler có tên Jorg Howe, thương hiệu Đức đã có những cuộc đàm phán với Bộ Tư pháp Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường và Ủy ban bảo vệ tài nguyên California. Những tổ chức này đang tiến hành điều tra về vấn đề khí thải của Daimler và công ty này cũng đang là đối tượng của một cuộc điều tra hình sự tại Đức dù chưa có nghi can nào được xác định.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô tại Châu Âu cũng đang nghiên cứu các động cơ diesel để đáp ứng các quy định khí thải. Tuy nhiên, trong khi các xe chạy diesel thải ra lượng khí cacbon dioxide thấp hơn so với các xe chạy xăng và được đánh giá “ngốn” ít nhiên liệu hơn, chúng lại thải khí oxit nito, nguyên nhân gây ra bệnh hen và được coi là chất gây ung thư.

Ngoài ra, mức độ phụ thuộc vào diesel cũng khiến các nhà sản xuất đau đầu bởi chi phí lắp các thiết bị cần thiết để trung hòa khí thải diesel ngày một gia tăng, khiến các hãng xe khó lòng giảm giá thành sản phẩm. Trở lại với Volkswagen, ông lớn Đức buộc phải chi trả hàng tỷ USD để giải quyết những vụ tranh chấp và nộp phạt tại Mỹ sau khi có phát hiện hãng này đã sử dụng “thiết bị đánh lừa” – một phần mềm gắn trên những xe được kiểm tra khí thải để điều chỉnh mức khí thải phù hợp với quy định của chính phủ. Scandal chấn động toàn cầu này từng khiến nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của công ty bị buộc tội và lao đao.

Một ông lớn khác là Fiat Chrysler Automobiles cũng bị “tóm” trong các cuộc điều tra và buộc phải tổ chức đối thoại với Bộ Tư pháp Mỹ để tìm hướng giải quyết. Hãng này đã ra thông báo hồi tháng 5 về việc sửa đổi khoảng 100.000 chiếc xe để đạt được thỏa thuận với giới quan chức Mỹ.