Làm gì sau khi tậu xế hộp cũ?

(Autovina) - Vì điều kiện tài chính nên nhiều người thường chọn mua xe cũ nhằm tiết kiệm giá thành. Dưới đây là những việc bạn cần làm ngay sau khi tậu xế hộp cũ.

Không phải ai trong số chúng ta cũng đủ điều kiện mua ôtô mới 100% ngay lần đầu tiên. Nếu bạn vừa sắm một chiếc xe đã qua sử dụng, đâu là những việc cần làm trước tiên?

Bảo dưỡng xe đã qua sử dụng

1. Thay dầu hộp số:

Thay dầu hộp số

Khi “rinh” về một chiếc ôtô đã qua sử dụng, hãy sử dụng que thăm dò để kiểm tra chất lượng dầu hộp số. Nếu bạn thấy có bọt nghĩa là hộp số đã đầy tràn dầu bôi trơn. Trong khi đó, việc phát hiện mùi khét cho thấy, nhiệt độ vận hành quá cao và hộp số sẽ nhanh hỏng hóc. Đó là dấu hiệu nhắc bạn phải thay dầu hộp số thường xuyên. Nếu cần thiết, nên bổ sung một lượng nhỏ chất làm mát dầu hộp số để bảo vệ những chi tiết đắt tiền trong hệ dẫn động.

2. Kiểm tra ắc quy:

Kiểm tra ắc quy xe

Khi quyết định mua xe không còn mới 100%, đừng quên ghi lại ngày sản xuất của ắc quy. Sau khi ắc quy bước sang năm thứ 4 kể từ ngày sản xuất, đó cũng là lúc bạn cần thay mới để xe vận hành trơn tru hiệu quả.

3. Thay dầu phanh:

Thay dầu phanh xe

Phanh xe là bộ phận vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự an toàn của người lái và các hành khách trên xe. Dầu phanh thông thường có gốc glycol và bản chất hút ẩm. Đó là lý do bạn nên thay ngay nước bị lẫn trong dầu phanh bởi khi dầu phanh bị lẫn nước, khả năng chịu nhiệt và ăn mòn sẽ giảm sút. Hậu quả là nhiệt độ đun sôi của dầu phanh cũng giảm theo, khiến kẹp phanh bị nóng, tác động tới hiệu suất phanh và sự an toàn của chính bạn. Rất có thể chiếc xe mà bạn vừa mua đang dùng dầu phanh cũ. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nên thay dầu phanh định kỳ 3 năm một lần để giảm bớt tình trạng hơi ẩm bị đun sôi và ăn mòn.

4. Thay mới dầu động cơ:

Thay dầu động cơ

Động cơ được ví như “trái tim” để nuôi sống toàn bộ chiếc xe. Ngay sau khi đưa xe về nhà, bạn nên lập tức kiểm tra chất lượng dầu động cơ bằng que thăm dò. Nếu dầu trên que vẫn có màu vàng, bạn có thể tận dụng dầu động cơ hiện có. Tuy nhiên, nếu phát hiện dầu đã bị đổi màu, bạn nên thay càng sớm càng tốt. Thay dầu là việc làm vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ động cơ xe. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên thay luôn bộ lọc dầu động cơ. Thông thường, các lái xe được khuyến cáo thay dầu động cơ sau mỗi lần chạy quãng đường 5.000 km. Tuy nhiên, dầu động cơ hiện nay có tuổi thọ cao hơn đáng kể. Bạn cũng có thể chuyển sang sử dụng dầu tổng hợp để kéo dài tuổi thọ máy, giúp xe dễ khởi động hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp và cắt giảm lượng nhiên liệu tiêu hao.

5. Kiểm tra nước làm mát:

Kiểm tra nước làm mát

Bạn nên biết rằng, nhiệt độ chính là một trong những kẻ thù “không đội trời chung” của động cơ xe. Động cơ quá nóng sẽ làm hỏng vòng đệm và các bộ phận khác, dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ xe. Đây là lý do nước làm mát đóng vai trò rất quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ động cơ. Các hệ thống làm mát động cơ hiện nay thường kết hợp nhiều kim loại không đồng nhất, khiến nước làm mát dần biến thành chất điện giải và ăn mòn các bộ phận đắt tiền trong động cơ. Do đó, sau khi mua xe cũ, bạn nên lập tức đến gara hoặc đại lý để xúc rửa két làm mát động cơ. Hãy nhanh chóng thay những đường ống mà bạn nghĩ là hỏng trong quá trình xúc rửa két làm mát, tiếp đến, thay nước làm mát theo tần suất 3 năm/lần.

6. Kiểm tra lốp:  

Kiểm tra lốp

Sau khi mua xe cũ, hãy kiểm tra lốp thật cẩn thận để xem có bị mòn hay xẹp không. Kiểm tra thành lốp và ta-lông để phát hiện các vết nứt. Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và các vết nứt trên lốp thường rất đa dạng về kích thước, từ những vết nứt nhỏ như sợi tóc đến những vết nứt rất rộng, có thể “nuốt trọn” một đồng xu. Khi lốp đã mất độ đàn hồi nghĩa là bộ lốp đó đã được sử dụng khoảng 5 năm. Đây là thời điểm bạn nên thay lốp mới. Thêm vào đó, hãy so sánh giữa các lốp trên xe bởi lốp không giống nhau là tình trạng phổ biến trên những chiếc xe cũ. Để an toàn và tiết kiệm nhiên liệu, bạn nên thay toàn bộ lốp để đạt được sự đồng nhất trong quá trình sử dụng.

Tổng hợp