Làm gì để phòng ngừa xe mất phanh?

Admin
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do nghi mất phanh hoặc lái xe đổ lỗi cho mất phanh.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do nghi mất phanh hoặc lái xe đổ lỗi cho mất phanh. Các lái xe lâu năm đều chung nhận định, mất phanh rất hiếm gặp, nhưng khi đã xảy ra vô cùng nguy hiểm. Lái xe phải bình tĩnh là yếu tố quyết định đầu tiên, càng hoảng loạn nguy cơ tai nạn càng cao.

Dạy lái xe lâu năm, tôi cho rằng, có những nguyên nhân mất phanh xảy ra do tình trạng kỹ thuật ở hệ thống phanh hư hỏng đột ngột như: Nổ bầu hơi, vỡ bình chứa dầu phanh hay má phanh bị vỡ, bị gãy, bị chống, bị kẹt… Tuy nhiên, điều này rất hiếm gặp nếu như chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên. Còn những tác nhân gây mất phanh ngoài ý muốn như: Thủng đường ống hơi, ống dầu do ngoại lực tác động bất ngờ như đá văng, cây chọc… Thường là vỡ cupen xi lanh ở bộ phận phân phối chính và cupen xi lanh nhánh ở các trục dẫn đến mất dầu phanh ồ ạt và mất phanh.

Để hạn chế tình trạng mất phanh, trước tiên lái xe phải chạy đúng Luật GTĐB, chạy đúng tốc độ cho phép, chở đúng tải trọng, đúng số người quy định. Lên dốc số nào xuống số đó. Lái xe cũng cần cẩn thận, dồn số thấp trước khi xuống đèo, xuống dốc. Tuyệt đối không được ra số không khi xuống dốc để cho mát máy, tiết kiệm nhiên liệu.

Khi tham gia giao thông ở những cung đường lạ, đặc biệt là đường trung du, miền núi, lái xe phải hết sức thận trọng. Dồn về số thấp ở những con dốc tầm nhìn hạn chế, không thấy chân dốc. Phải quan sát nhanh tình trạng mặt đường, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông. Bật đèn báo nguy, bật và nháy đèn pha, cốt kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Bóp còi liên tục để gây sự chú ý cũng là biện pháp nên làm.

Khi xe bị hiện tượng mất phanh, lái xe phải làm mọi cách để dồn số, thao tác dồn số về từng cấp ngay khi có thể, để xe lao càng nhanh thì cơ hội dồn số càng khó. Xe đang chạy số 5, hãy cắt côn ra số, vù ga thật lớn, cắt côn để dồn về số 4 (dồn số 5 về số 4 là dễ nhất, bất cứ xe nào, tốc độ nào cũng về được). Thả côn nhanh cho số ghì xe lại. Tại thời điểm này tiếp tục thao tác như trên và dồn số thật dứt khoát, nhả côn kết hợp kéo phanh tay từ từ. Khi xe có dấu hiệu chậm hẳn, mới được tính tới chuyện dồn số tiếp theo, bởi về số càng thấp, càng khó vào số, nên phải tính toán thật kỹ, còn không thì giữ nguyên số, còn số nào thì đỡ số đó, hơn là dồn số không được, xe ở trạng thái số không (số mo) càng nguy hiểm. Khi đã về số hai, số một, cho xe tấp sát lề đường, kéo phanh tay từ từ đến lúc xe chậm hẳn thì tắt máy.

Để hạn chế mất phanh, lái xe phải kiểm tra phanh thường xuyên, liên tục hàng ngày, kiểm tra giữa chuyến đi khi dừng nghỉ, khi chuẩn bị lên đèo xuống dốc bằng trực quan như: Kiểm tra áp suất dầu phanh, bình chứa dầu phanh, kiểm tra mặt trong lốp xe (nếu là phanh dầu), nếu thấy dầu trong bình hao, phải châm thêm dầu phanh (cùng loại). Nếu thấy hao nhiều bất thường, phải kiểm tra mặt trong của lốp ở các trục (cầu), nếu thấy dầu chảy ướt thì cupen xi lanh heo con ở trục đó đã bị vỡ, cần phải dừng sửa chữa.

Theo ATGT