Lái xe ôm sẽ phải xin phép hành nghề

Admin
Theo dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải, lái xe ôm sẽ phải xin cấp phép hoạt động tại phường xã hoặc bến tàu, bến xe. Tài xế chỉ đón khách trong khu vực quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo dự thảo thông tư Hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe thô sơ, xe máy, xe môtô 3 bánh để vận chuyển hành khách và hàng hóa của Bộ Giao thông Vận tải, người muốn làm nghề xe ôm phải có sức khỏe, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, có đơn tham gia vận tải hành khách hoặc hàng hóa gửi lên phường, xã, thị trấn hoặc bến tàu, bến xe, bến cảng... để đăng ký hành nghề và được các cơ quan này cho phép.

Sau khi nhận được đơn, trong vòng 2 ngày, cơ quan có thầm quyền phải xác nhận đơn cho lái xe. Tuy nhiên, hiệu lực của đơn chỉ trong vòng 1 năm đối với người có hộ khẩu thường trú, doanh nghiệp, hợp tác xã và 6 tháng đối với người có hộ khẩu tạm trú.

ảnh
Lái xe ôm sẽ chỉ được đón khách tại khu vực được cho phép. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, lái xe ôm chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng công bố. Trường hợp ở một điểm đỗ công cộng có từ hai đơn vị hoạt động trở lên thì cơ quan chức năng sẽ phân công khoanh vùng đón khách cho từng đơn vị.

Trên cơ sở quy mô từng địa bàn, xe ôm sẽ được tổ chức thành các tổ, đội hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tổ chức theo hình thức tự quản hoặc xã hội hóa. Từng tổ, đội này sẽ phải sử dụng phù hiệu hoặc mũ, đồng phục do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn.

Bên cạnh đó, giá cước không được vượt quá mức giá trần (nếu có) mà UBND thành phố, tỉnh quy định.

Dự thảo còn quy định chế tài xử phạt các trường hợp xe ôm vi phạm. Những đơn vị, cá nhân vi phạm ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị đình chỉ hoạt động ba tháng. Trường hợp tái phạm còn bị thu hồi giấy cho phép hành nghề và đình chỉ hoạt động một năm.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Đường bộ, hoạt động của đội ngũ xe ôm hiện nay khá lộn xộn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cả về xã hội lẫn an toàn giao thông, nên cần có những quy định, chế tài ràng buộc. Đây là những quy định đưa ra để quản lý tốt loại hình vận tải này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, chỉ nên yêu cầu lái xe đi đăng ký kinh doanh như các loại hình kinh doanh khác, cơ quan nhà nước không cần phải cấp phép cho xe ôm hoạt động như vận tải ôtô. Ngoài ra, nên quy định đăng ký hoạt động một lần là đủ điều kiện hoạt động lâu dài.

"Khi số xe máy đăng ký quá nhiều thì cơ quan chức năng sẽ không thể cấp phép hết, gây tình trạng xin cho", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, giá cước xe ôm cũng là do thỏa thuận của lái xe và hành khách, nhà nước không nên can thiệp. Ví dụ, cước vận tải hiện nay vẫn do thị trường điều tiết.

autovina