Kinh nghiệm tránh móc túi trên xe buýt

Igorpok
Từ ngày 1/10 - 10/10/2010, trên rất nhiều tuyến phố của Hà Nội, xe bus là phương tiện duy nhất được phép vận hành. "Hai ngón" cũng nhân cơ hội này mà trổ tài chôm chỉa.

 

Sở giao thông vận tải Hà Nội đã bố trí 120 xe, chạy cách nhau khoảng 10, 15, 20 phút mỗi lượt từ 6 giờ sáng đến 20 giờ hàng ngày nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân trong dịp Đại lễ. Các xe này sẽ luân phiên vận chuyển khách từ 8 điểm trông giữ xe miễn phí tại: Công viên Yên Sở, Kim Ngưu, Hải Bối, Hồng Hà, gầm cầu Vĩnh Tuy, Gia Thụy, Dịch Vọng và điểm đỗ xe Mỹ Đình.

Đây là sự kiện đặc biệt đối với tất cả người dân Việt Nam, nhất là với những người đang sống tại Hà Nội. Vì thế, chắc chắn lượng người đổ đi xem đại lễ sẽ vô cùng đông, việc chen lấn, xô đẩy lên xe tất yếu sẽ xảy ra.

Cẩn thận với những điểm chờ xe buýt
 
Theo nhiều người có kinh nghiệm đi xe buýt, tại các điểm đỗ xe có đông người đứng chờ như Cầu Giấy, Mỹ Đình... có rất nhiều kẻ móc túi. Chúng hoạt động có tổ chức, thường đi một nhóm từ 2 đến 5 người, thậm chí là 10 người, lợi dụng lúc hành khách mất cảnh giác, đang mải chen lấn lên xe buýt để móc hay thậm chí là rạch túi lấy tiền, điện thoại di động...
 
 
Kẻ gian thường lợi dụng lúc đông người, chen lấn, xô đẩy để "chôm" đồ của hành khách đi buýt
 
Dễ nhận thấy nhất là chúng thường đi vòng vèo quanh khu có đông người đang đứng chờ xe bus, tạo ra các va chạm nhỏ, tranh thủ “sờ túi” nạn nhân xem có tiền hay điện thoại gì không, rồi dàn cảnh xô đẩy để lấy cắp. Khi tên này móc được, sẽ tuồn ví, điện thoại hoặc bất cứ thứ gì “kiếm được” cho đồng bọn mang đi tiêu thụ. 
 
Thậm chí, nhiều tên ngang nhiên tới mức khi đã lấy được ví, vét sạch tiền trong ví thì hô to hỏi xem ai mất ví sẽ cho chuộc lại giấy tờ, hoặc vứt ngay chiếc ví đã trống rỗng xuống đường.
 
 
Móc được điện thoại, chúng tuồn ngay cho đồng bọn đi tiêu thụ ( ảnh: Internet)
 
 
Trong nhiều trường hợp, người bị hại dù biết đích xác kẻ rạch túi trộm đồ của mình, nhưng khi lên tiếng đòi lại liền bị chúng cao giọng, lớn tiếng chửi bới, doạ nạt và thậm chí là ra tay đánh. Việc đòi lại đồ đã mất còn... khó hơn lên trời!
 
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, rất khó để nhận biết được chân dung của kẻ móc túi. Bởi lẽ, tại các điểm đỗ xe có nhiều sinh viên như Cầu Giấy, Nhổn,..chúng giả mình là sinh viên, đeo túi đựng máy tính, thậm chí diện comple, đeo kính cận nhìn rất tri thức.
 
Tại một số điểm buýt khác như Giáp Bát, Long Biên...hoạt động móc túi còn tinh vi hơn, bởi lẽ kẻ gian không chỉ là nam giới, mà còn có cả là nữ giới, dắt theo con nhỏ để đánh lạc hướng sự chú ý.
 
Đặc biệt, theo lời một số người bán nước tại bến xe Long Biên, bọn đạo chích nơi đây thường hoạt động theo nhóm 2-3 người với thủ đoạn giả làm xe ôm. Thấy khách, chúng liền xúm đến. Một tên cao to áp sát, dùng mọi biện pháp chào mời, thậm chí, còn dọa nạt để đánh lạc sự chú ý của khách. Khi khách đang mải đối phó, một tên khác liền sáp tới, che nón và nhẹ nhàng thò tay chôm đồ rồi biến thẳng.
 
Lên xe: Chưa thể yên tâm!
 
Ngay cả khi đã lên được xe cũng không phải là an toàn. Một chuyến buýt thường rất đông người, cảnh bon chen trên xe là chuyện thường tình.
 
Một số tuyến phức tạp, nhân viên soát vé xe buýt biết nhẵn mặt kẻ gian nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
 
Tiếp xúc với một phụ xe trên tuyến 32 ( Giáp Bát – Nhổn), anh cho biết: “Bọn móc túi ở đây ngang ngược lắm! Nhiều khi thấy sinh viên bị mất đồ cũng tội, nhưng không dám nói. Đôi khi chỉ cảnh báo bâng quơ: “ Ai có điện thoại, ví thì cất cẩn thận kẻo mất!” chứ không dám công khai ngăn cản, vì nếu làm vậy kiểu gì cũng bị trả thù, nhẹ là ném đá vỡ kính xe, nặng là đánh cả phụ xe, tài xế”

Chính vì thái độ đó của tài xế, nhân viên soát vé đã vô tình tiếp tay cho kẻ gian. Nếu họ làm quyết liệt, mời công an vào cuộc thì tình trạng này sẽ giảm hẳn.
 
 
Để đồ ở túi quần rất dễ bị móc ( ảnh: Internet)
 
 Các biện pháp đối phó
 
-      Khi đứng chờ xe buýt, nếu có thể hãy tránh xa chỗ đông người.
 
-     Tất cả tài sản có giá trị như điện thoại, ví...tuyệt đối không được đút vào túi quần (đa phần người bị mất điện thoại và ví tiền là do để đồ ở túi quần)  mà phải bỏ vào ngăn trong cùng của túi xách, ôm túi trước ngực.
 
-     Không cầm điện thoại, ví tiền ở tay trong khi chen chân lên xe buýt. Bởi lẽ, kẻ gian có thể lợi dụng lúc đông người đang chen lấn, xô đấy, ít ai để ý mà cướp ví tiền, điện thoại từ tay của bạn.
 
-    Khi đã lên xe, nếu không có chỗ ngồi thì hai địa điểm đứng tốt nhất cho bạn là phía đầu xe hoặc cuối xe ( thường thì cuối xe sẽ đỡ chật chội hơn đầu xe), tránh đứng tại cửa xuống, vì kẻ gian thường đi theo nhóm 3 tên, đứng ngay tại vị trí xuống. 3 tên này sẽ dàn cảnh xô đẩy để móc tài sản của nạn nhân, móc được đồ là chúng xuống xe chuồn thẳng!
 
-   Cảnh báo cho những người xung quanh cùng biết để tránh trở thành nạn nhân của bọn móc túi.
 
Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa thiêng liêng với toàn dân tộc. Hãy cẩn thận với “hai ngón”để có một mùa đại lễ vui trọn vẹn!
 

Bùi Yến

 

Bùi Yến