Khói xe bus, chuyện thường ngày ở Hà Nội

Tháng 10/2009, liên ngành Giao thông Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý khí thải ô tô. Sau 1 năm, hình ảnh là gì?

 Chỉ cần đứng ở điểm trung chuyển xe bus Cầu Giấy – nơi “kết nối những chuyến xe bus”. Tại đây, từ xe nhỏ đến xe to trước khi vào và sau khi rời bến đều để lại làn khói hết sức khó chịu. Nhăn mặt, lấy tay che là những phản xạ dường như thành thói quen của những người chờ xe bus mỗi khi có xe đi qua.

Có thâm niên đã 3 năm đi xe bus, Hà – sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội nói vui: “Mãi rồi cũng thành quen. Xe nào đi qua mà không có khói thì lại thấy lạ đấy”. Một chị đang đợi người nhà đến đón chêm vào: “Các em đợi xe còn đỡ, chứ như chị hàng ngày đi xe máy mà gặp cảnh tắc đường đi sau xe bus thì có đeo 2 cái khẩu trang cũng chẳng ăn thua”.
 
 
Mỗi khi xe bus đi qua, để lại vệt khói như thế này...
 
... thì người đứng chờ phải đưa tay che mặt
 
 Lên xe, tôi chọn một chỗ đứng thích hợp để nói chuyện với chú tài xế. Làm như vô tình nhìn gương chiếu hậu, tôi buột miệng: “Chú ơi, sao xe mình nhả khói khủng khiếp thế?”. Chiếc xe đã quá cũ, việc trung tu còn gặp nhiều khó khăn, đó là câu trả lời của chú tài xế. Hơn nữa theo chú, áp lực công việc của nhân viên xe bus không nhỏ. Trung bình 1 ngày, 1 xe phải đảm bảo 8 lượt cả đi cả về. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lái xe bỏ bến, vào ra bến nhanh cho kịp chuyến lượt. 
 
Ngừng một hồi, tài xế còn nói thêm: “Mà xe thì lúc nào cũng đông. Giả sử cứ đúng quy định chở hơn 50 người trên xe còn lại gạt hết thì lái xe nhàn tênh. Đằng này chẳng phải giờ cao điểm mà cháu thử đếm xem có bao nhiêu người trên xe?”.
 
Tôi quay lại nhìn, thật khó mà ước lượng chính xác số người trên xe, chỉ có thể thấy anh phụ dường như quá mệt khi chen qua cả “biển người” để lên hỏi tôi dùng vé ngày hay vé tháng.
 
 
Theo một số tài xế, những chiếc xe này đã trở nên cũ...
 
 
...và lịch làm việc căng thẳng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ của tài xế khi làm việc
 
 Như một nghịch lý khi nhớ lại 1 năm trước đây, trong đợt cao điểm kiểm tra thì có tới hơn 70% xe bus đang hoạt động nhả khói đen khi tham gia giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Và cứ chiếu theo quy định đình chỉ lưu hành thì có tới quá nửa phải nhập kho trong khi tuổi thọ chưa cao.
 
Xuống bến, tôi lại lên một chiếc xe khác theo tuyến ra Nội Bài. Tài xế lần này còn trẻ và khá điềm tĩnh. Khi nghe tôi phàn nàn về việc đứng dưới bến đợi xe mà phải chịu không ít khó chịu bởi khói xe bus, anh tỏ ra thông cảm “tùy thái độ từng người lái”. Và anh cũng thừa nhận để tiết kiệm nhiên liệu với những chiếc xe đã cũ này, các tài xế thường chạy đà và ép số thì có khói là điều khó tránh được.
  
Dù là xe to hay nhỏ, đều chung hình ảnh ống xả bị ám khói
 
 Nếu các hãng xe hơi đang đẩy mạnh sự canh tranh bởi các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường thì việc hàng ngày, hàng giờ những chiếc xe bus đang phát thải sự ô nhiễm đến mức đáng phải lo ngại. Đặc biệt hơn, khi mà Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần thì những làn khói đen ở phương tiện giao thông công cộng này là một hình ảnh thiếu thẩm mỹ ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt Thủ đô.

Nguyễn Liên

lien