Hung thần xe buýt hoành hành ở TP HCM

Admin
Xe buýt liên tiếp gây ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng trong những ngày cuối tháng ba làm chết 4 người, một bị thương nát cả chân, làm nhiều người TP HCM thêm lo lắng về tính an toàn của phương tiện công cộng này.

Sáng 31/3, xe buýt lại gây tai nạn trên đường Lê Đại Hành, quận 10, khiến một nạn nhân bị nghiến nát chân phải cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là vụ tai nạn thứ 3 vì phương tiện công cộng này trong vòng 4 ngày.

Chỉ một ngày trước, một buýt chạy tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang lưu thông giữa đường bỗng đột ngột tấp vào trạm. Do né chiếc xe buýt này mà anh Lê Công Bình (28 tuổi) đã va chạm với một xe tải khiến người thanh niên chuẩn bị trở thành chú rể này chết tại chỗ. Trên tay chàng thanh niên xấu số vẫn cầm xấp thiệp cưới chưa kịp phát.

Nhưng đó chưa phải là tai nạn thảm khốc nhất do phương tiện vận tải hành khách công cộng của TP HCM gây ra. Ngày 26/3, người dân Sài Gòn bàng hoàng chứng kiến chiếc xe buýt tuyến Hưng Long - Cầu ông Thìn - Bến xe quận 8 - Chợ Lớn, gây nên thảm cảnh chết chóc cho một gia đình.

Đang đổ dốc xuống chân cầu Nhị Thiên Đường, thay vì rẽ phải, tài xế xe buýt cho xe chạy thẳng rồi đi ngược chiều. Không ngờ được sự cẩu thả của tài xế xe buýt, anh Hoàng Bình Dương (44 tuổi) đang chở con và người cháu họ đi học đã bị xe buýt cuốn vào gầm.

Chiếc xe buýt cuốn 3 người trong một gia đình vào gầm xe ngày 26/3. Ảnh: An Nhơn.

Nhiều người dân thành phố đang đặt câu hỏi lớn về tính an toàn của xe buýt sau hàng loạt vụ cán chết người, kéo lê khách trên đường, tài xế hỗn chiến khi đang vận chuyển hàng chục hành khách... lẫn tình trạng xe buýt lạng lách, đánh võng, chạy đua trên đường diễn ra hầu như mỗi ngày.

Tuyến số 8 đi làng đại học Thủ Đức lâu nay nổi tiếng vì kiểu bắt khách dọc đường vô tội vạ. Xe buýt trưa 31/3 lưu thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chưa dừng hẳn sát lề, tài xế đã mở cửa sẵn cho lơ xe nhào ra kéo hành khách lên.

Con phố Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh là đường chính cho nhiều tuyến xe buýt. Giờ cao điểm, đặc biệt là những chuyến cuối ngày, khách đông, các bến đợi trước Trung tâm truyền thông sức khỏe (đường Nguyễn Thị Minh Khai), trường Phù Đổng (phố Xô Viết Nghệ Tĩnh)... dập dìu xe buýt tranh đón khách. Có khi đang chạy ngon ơ giữa đường, một xe buýt thản nhiên tấp thẳng vào lề, song lạng vào chưa kịp dừng, buýt lại quành ra bất ngờ khiến mọi phương tiện khác toát mồ hơi hột để tránh.

Lái xe buýt cũng thường xuyên "cắt đầu" nhau để tấp vào lề, thậm chí dừng hẳn gần giữa đường để đón khách lên xe. Một tài xế xe buýt tuyến 93 từng nhận xét về đồng nghiệp: "Lái xe như ăn cướp".

Chị Nguyễn Thị Thanh Thanh, nhân viên tạp vụ cho một công ty ở quận 3, ngày hai buổi dùng xe buýt đến công sở, nói: "Hàng loạt vụ đụng chết người xảy ra khiến tôi ngồi xe buýt mà vẫn không cảm thấy an toàn". Còn anh Phan Công Trí, một kỹ sư ở Thủ Đức ngày nào cũng phóng xe máy vào quận 5 để làm việc thì bức xúc: "Nhiều xe buýt đường dài chạy ào ào, cắt đầu xe máy một cách bất cẩn khiến người đi đường thót tim".

Chị Thanh Xuân sống tại quận Bình Thạnh xoa cái bụng bầu 7 tháng thở phào kể mới hôm qua chị biết cảm giác thế nào là chết đi sống lại khi suýt bị chiếc xe buýt chạy trên đường Điện Biên Phủ cho hai mẹ con đo đường. "Gần tới vòng xoay Hàng Xanh, thay vì xe buýt phải chờ đèn đỏ bên phần đường cho ôtô thì lại ngoặt sang phía xe máy rồi đậu bên đường vòng cung rẽ phải sang Xô Viết Nghệ Tĩnh, ép xe máy của tôi ngã văng vào lề, may mà chưa sao", chị Xuân nhớ lại mà vẫn xanh mặt rồi khẳng định, bầu bì sẽ không bao giờ tự chạy xe máy nữa.

Tài xế xe buýt này đang biểu diễn tay lái lụa giữa đường. Ảnh: Kiên Cường

"Chỉ trong 4 ngày từ 26 đến 30/3 mà có 4 người bị tử nạn vì xe buýt là điều đáng báo động", một thành viên Ban an toàn giao thông nhận xét. Thống kê của Ban an toàn giao thông thành phố, số người chết vì tai nạn do xe buýt gây ra tăng nhanh qua từng năm.

Năm 2006, xe buýt làm 7 người chết. Một năm sau, con số này tăng lên gấp đôi. Trong năm 2008, 21 người bị cướp đi sinh mạng vì phương tiện công cộng này. Số vụ tai nạn cũng tăng dần: năm 2006 có 12 vụ, 17 tai nạn vì buýt năm 2007; đến 2008 con số này tăng lên 23 vụ.

Kỳ sau: áp lực của tài xế xe buýt
autovina