Hệ lụy đằng sau những nữ nhân viên bán xe

Svetlikj
(Autovina) - Phụ nữ bán xe thường dễ thành công hơn nam giới, nhưng đằng sau những thành công đó là không ít những hệ lụy ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của họ.

Đằng sau những hợp đồng là hệ lụy... (ảnh minh họa)

Kiều nữ bán xe

Khác với những sản phẩm tiêu dùng thông thường, ô tô là mặt hàng có giá trị lớn và rất kén khách. Vì vậy, việc tiếp cận nhu cầu khách hàng không đơn giản. “Để bán được từ 2 đến 3 xe trong một tháng, mỗi nhân viên phải có trên 100 khách hàng tiềm năng, với 10% trong số đó có khả năng mua xe. Danh mục “nóng” này sẽ rơi vào tay các đại lý khác, để cuối cùng còn 2-3 người mua xe của mình...”, Thu Hương, đại lý cho một hãng xe ô tô cho biết.

Với ngoại hình bắt mắt, khó có khách hàng nào có thể từ chối tiếp chuyện với một bóng hồng xinh đẹp trong bộ jupe đồng phục và giọng nói nhẹ nhàng như Hương. Hương tâm sự: “Mỗi khách hàng là một cơ hội giúp em mở rộng quan hệ mới. Ngày nào em cũng phải gọi điện thoại nói chuyện với khách đến khản cả giọng, chưa kể sắp xếp lịch hẹn rồi đến tận nơi thuyết phục. Với khách hàng mới quen thì phải tập trung gây ấn tượng tốt, phải vận dụng hết “ngón nghề”, trước là để họ hài lòng về mình, sau đó là khiến họ ký hợp đồng mua xe. Còn với những khách hàng đã tiếp xúc nhiều thì phải thắt chặt thêm mối thân tình”.


Tốt nghiệp ĐH Ngân hàng, Khánh Phương xin vào làm đại lý bán xe cho một hãng xe ô tô hạng sang. Sau nhiều năm gắn bó với công việc này, Phương đúc kết kinh nghiệm: “Làm nghề này đòi hỏi phải có kỹ năng giao tiếp, nắm vững tâm lý khách hàng và kiên nhẫn khi gặp những người khó tính. Khách mua ô tô thông thường là những “đại gia” nên bán được xe cho họ, trong khi có hàng chục lời chào mời từ các đại lý khác với nhiều lựa chọn về chủng loại và mức giá là rất khó khăn, thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ...”.

Sau 6 năm đầu quân cho hãng ô tô Mercedes với doanh số bán hàng lên tới hơn chục xe mỗi tháng, luôn là đại lý ở “top” dẫn đầu nhưng Ngọc Dung thừa nhận: “Có khách hàng em phải “đầu tư” mấy năm trời mới bán được 1 chiếc xe. Thế nhưng, “chăm sóc” họ từng ấy năm, họ vẫn đi mua xe của hãng khác, thậm chí là mua xe của hãng mình nhưng thông qua nhân viên khác... là chuyện vẫn xảy ra”. Không ít đại lý than phiền chăm sóc khách hàng phức tạp và rất vất vả. Phần lớn các đại lý đã nghĩ tới việc bỏ nghề vì không chịu nổi sức ép công việc. Đó là áp lực từ công ty với doanh số bán xe bắt buộc tối thiểu hàng tháng, rồi những phản hồi từ khách hàng khi họ liên tục phàn nàn. Nếu không bán được số xe theo yêu cầu, họ sẽ bị trừ vào lương cứng chứ đừng nói đến thưởng. “Trong 1 tháng mà không bán được xe nào là nhận ngay cảnh cáo, 3 tháng liên tục như vậy nhân viên bán hàng sẽ phải ra đi”, Dung cho biết.

Thỏa thuận ngầm

Có được thành công trong nghề không đơn giản, nhất là đối với nữ giới. Nhìn vào thành công của Phương Anh, ít người biết rằng để có được những hợp đồng bán xe, cô phải đánh đổi nhiều thứ. “Với nghề này, nữ ưu thế hơn nam ở khả năng giao tiếp mềm mỏng, nhẹ nhàng, dễ thuyết phục. Đó cũng là mặt trái của nghề này. Nhiều khách hàng tạo cơ hội cho em đến gặp để giới thiệu sản phẩm, hứa sẽ mua xe nhưng thực tế họ toàn rủ đi ăn nhậu, hát hò. Để hài lòng khách hàng em không dám từ chối, nhưng nhiều khi ăn uống say sưa, họ không làm chủ được bản thân và có những hành động sàm sỡ, nhưng vì công việc em phải nhắm mắt cho qua…”.



Thậm chí, Phương Anh còn cho biết, không ít đại lý còn chấp nhận cặp kè với khách để có được hợp đồng và để họ giới thiệu cho những khách hàng tiềm năng khác… Phương Anh kể lại: “Trong công ty của em có đại lý bán được hơn 10 xe mỗi tháng, nhưng “ông mất của kia thì bà chìa của nọ”. Bất cứ lúc nào khách hàng gọi điện là cô ấy phải có mặt. Nhiều khi cả tháng trời cô ấy không có thời gian ăn cơm cùng chồng con. Trước khi vào công ty, chỉ ngửi mùi rượu cô ấy đã say nhưng đến giờ đã trở thành con “sâu rượu”. Hơn một tháng trước, cũng vì ký hợp đồng bán xe cho một “đại gia” có tiếng nên cô ấy đã phải dành thời gian để giới thiệu sản phẩm, đi ăn, đi chơi cùng nhau. Chẳng hiểu hai người có tình ý gì với nhau không mà bà vợ khách hàng tìm đến tận công ty để đánh ghen…”.

Việc di chuyển tìm kiếm khách hàng ở các tỉnh cũng như la cà trong các cuộc hẹn ngoài giờ vốn là thực trạng của nghề bán xe ô tô. Chính vì vậy, hầu như các đại lý bán xe đều phải gặp khách hàng sau giờ hành chính, thậm chí là vào các buổi tối. Thu Trang, sau 5 năm làm đại lý bán ô tô cho hãng xe Toyota cho biết: “Để theo được nghề và để thành công không hề đơn giản, bởi đây là một nghề được đánh giá là khá nhọc nhằn và nhiều áp lực. Khách hàng không tự đến với mình mà phải tự tìm đến họ. Nhiều khi em phải huỷ cuộc hẹn với bạn trai để đi gặp khách hàng. Có khách hàng còn nhắn tin: “Đi du lịch một chuyến với anh rồi về anh ký hợp đồng mua xe cho…”. Nhiều bạn mới vào nghề, không đủ bản lĩnh trước những lời “mời chào” hấp dẫn từ những khách hàng giàu có nên dễ dàng chấp nhận như một thoả thuận ngầm…”.

Một nhân viên kinh doanh ô tô, thu nhập trung bình khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, thậm chí có người đạt tới 25 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được thành công đó. Do ít có cơ hội thăng tiến và thiếu ổn định về thu nhập cũng như công việc, đa số các đại lý đều thôi việc ở độ tuổi trên 35, với mong muốn tìm một công việc khác ổn định hơn. Ông Nguyễn Đăng Thịnh - Trưởng phòng kinh doanh một công ty ô tô ở Hà Nội cho rằng, nữ giới làm nghề bán xe ô tô có những mặt trái nhất định, nhưng nếu có bản lĩnh và biết điều gì là quan trọng trong công việc, họ vẫn có thể trở thành những người bán hàng thành công mà không vướng vào những chiếc bẫy do chính mình đặt bút ký.

Theo ANTĐ

cuongvc