Hà Nội quản không nổi 200 xe cứu hộ giao thông?!

Admin
Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) mới có hiệu lực từ 1/7 vừa bổ sung quy định về quản lí hoạt động vận tải tổ chức cứu hộ, cứu nạn giao thông (Điều 84). Đây là một điều rất cần thiết, bởi ở Hà Nội hiện nay, hoạt động này đang bị "buông lỏng"!

"Bát nháo" cứu hộ giao thông!

"Có vụ tai nạn giao thông cần xe cứu hộ giải toả hiện trường ngay để chống ùn tắc, nhưng rất khó gọi được xe từ Phòng CSGT vì xe này quá ít. Phải mất 2, 3 tiếng mới thuê được xe ngoài, thuê được rồi, còn phải mặc cả họ mới chịu đến" - Đội trưởng Đội CSGT của một huyện ngoại thành cho biết.

Câu chuyện trên cho thấy, với lực lượng chuyên trách về giao thông, còn gặp khó khi cần xe cứu hộ trợ giúp, trong ngày bình thường, huống hồ với người dân khi cần đến dịch vụ này!

Và thực tế, hàng ngàn chủ xe ô tô con đã vô cùng thấm thía điều này trong đợt lụt lịch sử đầu tháng 11/2008 của Hà Nội.

Hàng trăm chủ xe phải chờ qua đêm, thậm chí 2, 3 ngày mới có xe cứu hộ. Hàng ngàn người đã bị "làm giá", phải trả hàng triệu đồng cho 1 cuốc xe cứu hộ vài cây số trong nội thành, trong khi giá bình thường chỉ không quá 400 ngàn đồng.

 Xe cứu hộ cứu xe cứu hộ trong trận lụt hồi tháng 11/2008 (Ảnh: Chí Hiếu)

Phó Giám đốc Cứu hộ 116 cho hay, trong đợt lụt đó, không chỉ xe cứu hộ của các công ty, trung tâm cứu hộ giao thông vào cuộc, mà ngay những xe vận chuyển, xe kéo của các garage nhỏ lẻ, không chuyên dụng, không biết cứu hộ đúng cách cũng ùa ra đường, và chuyện làm giá là có thật.

Vị Phó Giám đốc này còn cho biết thêm, hiện nay, có nhiều xe cứu hộ nhỏ lẻ mạo danh cứu hộ 116, dán những số điện thoại có đuôi tương tự, ví dụ  090xxxx116, nên công ty ông hằng ngày phải nhận hàng chục cú điện thoại thắc mắc về giá, dù cho trong những ngày đó, giá của cứu hộ 116 đã được niêm yết công khai trên mạng, trên xe là không quá 600.000 đ/ca cứu hộ.

Tuy nhiên, dù giá một ca cứu hộ của một công ty vào loại lớn nhất miền Bắc như Cứu hộ 116, hay Cứu hộ Thăng Long, Cứu hộ miền Bắc được niêm yết công khai như thế, nhưng vẫn chênh lệch gấp 2-3 lần quy định của UBND TP. Hà Nội.

Quyết định mới nhất, ngày 28/2/2007 của UBND TP. Hà Nội, xe cứu hộ kéo xe ô tô vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến nơi tạm giữ quy định mức giá như sau:

Đối với xe dưới 24 chỗ ngồi và xe tải dưới 5 tấn thì mức thu 1 lần với xe vi phạm tại địa bàn các quận nội thành là 150.000 đồng và 200.000 đồng đối với xe vi phạm tại địa bàn các huyện ngoại thành.

Đối với xe khách trên 24 chỗ ngồi và xe tải trên 5 tấn, mức thu 1 lần kéo xe vi phạm tại địa bàn các quận nội thành là 200.000 đồng và 250.000 đồng với xe vi phạm tại địa bàn các huyện ngoại thành.

Ngoài số xe cứu hộ của CSGT và Thanh tra giao thông, số xe cứu hộ của tư nhân đang bị thả nổi?! (Ảnh: Chí Hiếu)

Nhưng cũng phải nói thêm, đây là quy định với những xe phải sử dụng xe cứu hộ để cưỡng chế vì vi phạm giao thông. Nghĩa là quy định cho những xe cứu hộ của ngành CSGT và Thanh tra giao thông.

Quản không nổi?!

Khi tìm hiểu những quy định về hoạt động, quản lí, cấp phép, mức giá của cứu hộ giao thông, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì hoạt động này vẫn gần như bị "thả lỏng".

Ngoài con số trên dưới 15 xe cứu hộ của CSGT và Thanh tra giao thông mà đội đăng kí phương tiện (thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho hay, không có một con số cụ thể về xe cứu hộ tư nhân.

Đội quản lí phương tiện lí giải, vì có thể, khi đăng kí, họ chỉ ghi xe có cần trục, cần cẩu chứ không nói rõ xe cứu hộ.

Tương tự, đó cũng là câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ Phòng Quản lí phương tiện (Sở GTVT Hà Nội).

Theo ước lượng của phòng này, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động cứu hộ với trên dưới 100 xe.

Đi gõ cửa những doanh nghiệp cứu hộ để tìm hiểu, PV mới biết, điều kiện để hoạt động vận tải cứu hộ giao thông cũng khá đơn giản: chỉ cần có bằng kĩ sư ô tô.

Giám đốc một doanh nghiệp cứu hộ vào loại sớm nhất của Hà Nội cho biết, trước đây, khi chính thức hoạt động, trong giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này chỉ ghi là "Dịch vụ kỹ thuật đặc biệt đường bộ". Mới đây, khi cứu hộ trở thành ngành kinh doanh chính, doanh nghiệp ông mới sửa giấy phép kinh doanh thành "Cứu hộ giao thông".

Cũng vì thế, theo vị này, hiện nay rất khó để xác định có bao nhiêu doanh nghiệp đăng kí hoạt động cứu hộ, với cụ thể bao nhiêu xe.

Hình ảnh những chiếc xe cứu hộ tràn ngập trong trận lụt đầu tháng 11/2008 ở Hà Nội. (Ảnh: Chí Hiếu)

"Chẳng qua, những doanh nghiệp lớn hay ngồi lại với nhau, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm, học hỏi nhau khi có mẫu xe mới, sự vụ đặc biệt nên chúng tôi ước tính ở Hà Nội, và một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... có trên dưới 20 doanh nghiệp hoạt động cứu hộ, với con số trên 200 xe, trong đó 95% là xe 2 tấn. Riêng Hà Nội, hiện có gần 200 xe" - ông này nói.

Đó là chưa kể, con số "ẩn giật" của những garage nhỏ lẻ, chỉ xuất hiện và ra đường cứu hộ khi có thời cơ như trận lụt vừa qua, để "đục nước béo cò", làm mất uy tín của doanh nghiệp cứu hộ.

Vì vậy, việc bổ sung hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ vào Luật GTĐB để siết chặt quản lí, hoạt động này đang được những doanh nghiệp cứu hộ làm ăn chân chính và người dân chờ đợi!

autovina