General Motors từ bỏ phiêu lưu cùng Toyota

Admin
Ngày 29/6, GM tuyên bố mối quan hệ làm ăn lâu dài với một trong số những đối thủ lớn nhất ngành công nghiệp ôtô đã chấm dứt. Sau hơn 20 năm, Toyota từ kẻ xa lạ với người Mỹ trở thành hãng xe lớn nhất thế giới. Còn GM thì phá sản.

Liên doanh giữa hai bên, được biết tới với tên gọi New United Motor Manufacturing Inc., hay Nummi, sản xuất hơn 6 triệu xe tại nhà máy ở Fremont (California, Mỹ) kể từ năm 1984. Đó cũng là nơi ra đời hai phiên bản Toyota Corolla sedan và Tacoma bán tải, bên cạnh đó là chiếc crossover loại nhỏ của GM, Pontiac Vibe.

Roger B. Smith, cựu chủ tịch của GM, và Eiji Toyoda, chủ tịch của Toyota
Roger B. Smith, cựu chủ tịch GM (phải), và Eiji Toyoda, Chủ tịch Toyota, tại Nummi vào năm 1985. Ảnh: AP.

Năm 2010, GM sẽ hạn chế nhãn hiệu Pontiac và ngừng luôn việc sản xuất phiên bản Vibe vào tháng 8. Bản thông báo vào ngày 29/6 cho biết, hai đại gia này đã không đạt được thỏa thuận với nhau về "một nhà máy sản xuất trong tương lai". Nummi cũng không còn là một phần của GM sau khi hãng này phá sản.

Việc GM và Toyota đường ai nấy đi đánh dấu hồi kết của một trải nghiệm đáng nhớ. Sự cộng tác là một cách để Toyota tìm hiểu việc áp dụng các hệ thống của họ tại Mỹ. Còn đối với GM, là dịp để học hỏi cách thức làm việc của Toyota.

Sự rút lui của GM khỏi cuộc phiêu lưu khiến nhà máy ở Fremont rơi vào tương lai bất ổn, trong khi có hơn 4.700 nhân viên làm việc tại đây, trên diện tích tổng thể khoảng 46.000 mét vuông. Đó cũng là nhà máy ôtô mới nhất được đưa vào khai thác ở California, đồng thời là nhà máy duy nhất của Toyota do Nghiệp đoàn công nhân ngành ôtô Mỹ làm đại diện.

Toyota cũng đưa ra bản tuyên bố, họ cảm thấy tiếc khi GM thối lui và vẫn chưa quyết định sẽ làm gì với nhà máy ở Fremont. Nummi từng hoạt động rất tốt trong một thời gian dài. Giờ đây, khi kết quả phân tích cho thấy sự xuống dốc đáng sợ của ngành công nghiệp nặng này, quyết định của GM càng khiến tình hình thêm thảm hại, và đặt Toyota trước lựa chọn phải đóng cửa nhà máy.

Pontiac Vibe
Pontiac Vibe - một sản phẩm của sự hợp tác giữa GM và Toyota. Ảnh: Autospectator.

Tuy nhiên, những người đứng đầu của Toyota tỏ ra nhạy cảm trước bầu không khí chính trị hiện nay tại Mỹ. Hãng này rất có thể vẫn mở cửa Nummi, giữ cho nó hoạt động nhưng hạn chế sử dụng nhân công người Mỹ. Trước đó, họ từng phủ nhận việc sản xuất phiên bản hybrid sedan có tên Prius tại Nummi.

Khi Nummi được gây dựng, Toyota vẫn chỉ là một tên tuổi xa lạ nhưng sau đó nhanh chóng lớn mạnh tại Mỹ, trong khi GM đã là nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới.

Để rồi vào năm 2008, Toyota đã giành mất ngôi vị đỉnh cao của GM, với phần đóng góp không nhỏ của liên doanh giữa hai bên: Nummi. Sau vụ này, GM được cho là kẻ chậm tiếp thu, dù trước đó đã thu lợi lớn nhờ vào việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến của Toyota. Giờ đây, Nummi chẳng còn giúp ích cho GM và còn xa mới so kịp với những nhà máy của các hãng khác trong vùng.



autovina