"Đường sắt cao tốc sẽ làm tăng gánh nợ quốc gia"

Admin
Sẽ thật cần thiết khi xây dựng đường sắt cao tốc nhưng cũng cần phải tính toán đến khả năng tài chính và gánh nặng nợ nần.
Theo ông Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ môi trường quốc hội thì: “Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể. Ủy ban rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy".
 
Mặt khác, với tổng mức đầu tư của dự án riêng cho giai đoạn đầu (đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM) là 21 tỷ USD thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay nước ngoài gồm ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn (OCR).
 
Hơn nữa khi đường sắt cao tốc được đưa vào khai thác sẽ mất một thời gian dài để thu hồi vốn. Bởi lẽ với giá vé bằng 75% giá vé máy bay thì phải mất 45 năm để thu hồi vốn và sẽ có nhiều người không có khả năng sử dụng phương tiện này, trong khi đó các hãng hàng không giá rẻ lại phổ biến khiến mức cạnh tranh cao.
 
 
Một vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận ngay trong cơ quan thẩm tra là phương án đầu tư dự án. Chính phủ trình 4 phương án và lựa chọn phương án 4, tức là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách.
 
Cơ quan thẩm tra có hai ý kiến. Một số nhất trí với phương án Chính phủ trình vì cho rằng hiện nay hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Việc đầu tư mới theo hướng hiện đại là cần thiết, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển sau này và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải. Trước mắt, đồng thời với việc xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1,435 m, tốc độ giai đoạn một là 200 km/h, sau đó khi đủ điều kiện thì sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc với tốc độ 300km/h.
 
"Phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng rất quan trọng và cần thiết, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn", Chủ nhiệm Minh nói.
 
Từ những phân tích trên, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét tính hợp lý trong dự toán vốn, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của nhà nước, khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài... Chính phủ cần phân tích đầy đủ nợ quốc gia của nước ta hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước.
 
Trước những luồng ý kiến nhiều chiều, ngày mai Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận
 
Autovina
(Tổng hợp theo VNE)
lien