“Đọc” dấu hiệu cảnh báo phanh ôtô kém an toàn

(Autovina) - Phanh xe là bộ phận liên quan trực tiếp tới sự an toàn của bạn và những người đi đường. Dưới đây là các dấu hiệu phanh có vấn đề khi xe chạy.

Phanh xe là bộ phận vô cùng quan trọng và có liên quan trực tiếp tới tính mạng an toàn của bạn và những người đi đường. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo khi phanh gặp vấn đề.

Dấu hiệu phanh có vấn đề

1. Lực kéo không bình thường:

Khi bạn kéo phanh mà lại nhận thấy cảm giác bất thường, đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy phanh đang gặp trục trặc và kẹp phanh đang bị mắc kẹt. Khi đó, một bánh xe sẽ chịu ma sát nhiều hơn các bánh còn lại, dẫn đến xu hướng chiếc xe bị rẽ sang bên bánh có caliper bị kẹt.

Ngoài ra, lực kéo phanh bất thường cũng có thể đến từ các lốp xe quá căng hoặc mòn không đều nhau, khiến một bánh nào đó có sự liên kết với đường kém hơn. Bạn cần ngay lập tức đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng.

2. Chân phanh không ổn định:

Bạn cảm nhận chân phanh lúc “ăn” lúc không tức là phanh đang gặp vấn đề như rò rỉ dầu, không khí, má phanh không đều, dầu phanh lẫn cặn bẩn…Nguy hiểm nhất là khi má phanh bắt cứng vào đĩa phanh, hệ thống thủy lực mất tác dụng đàn hồi khiến chân phanh không bật trở lại. Do đó, bất cứ khi nào cảm thấy chân phanh kém ổn định, hãy lập tức đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng.

3. Âm thanh kỳ lạ:

Bạn nghe thấy âm thanh kỳ lạ vang lên trong lúc lái xe. Đây là dấu hiệu cảnh báo rằng hệ thống phanh đang gặp sự cố. Tuy nhiên, đôi khi âm thanh có thể phát ra từ những bộ phận khác, chẳng hạn như tiếng rít ở má phanh và rô –tơ làm việc không ăn khớp, cần nhanh chóng được khắc phục.

Tiếng rít cũng có thể phát ra từ cảm biến của má phanh hay tiếng kim loại cọ xát vào nhau do các má phanh đã quá cũ mòn, khiến các cliper kim loại tiếp xúc trực tiếp với rô-tơ. Do vậy, mỗi lần dùng đến phanh, hai bộ phận kim loại này lại ma sát với nhau và khiến bạn gặp khó khăn trong việc phanh xe, thậm chí gây hỏng hóc rô-tơ.

4. Cảm giác rung:

Cảm thấy chân phanh bị rung khi đạp cũng là một dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh có vấn đề. Nếu đạp phanh trong các tình huống bình thường mà bạn lại cảm thấy chân phanh bị rung thì nguyên nhân thường là do rô-tơ bị biến dạng. Bề mặt không đồng đều của rô-tơ không thể nhận biết qua sự làm việc của nó với má phanh mà chỉ có thể cảm nhận qua độ rung của chân phanh.

5. Cảm giác phanh khác thường:

Cảm giác đạp chân phanh quá nhẹ có thể do má phanh bị mòn hoặc có vấn đề xảy ra với hệ thống thủy lực như sự rò rỉ dầu phanh hoặc không khí tràn vào bên trong khoang chứa dầu. Để kiểm tra xem có sự rò rỉ chất lỏng hay không, bạn hãy đặt một miếng vải cũ hoặc miếng bìa ở phía dưới xe qua một đêm. Nếu thấy chất lỏng chảy ra, chúng sẽ “yên vị” trên miếng vải hoặc bìa đó.

Còn trong trường hợp bạn đạp phanh mà cảm thấy quá cứng cũng có thể là có vấn đề với các chi tiết liên lạc nhỏ trong hệ thống phanh ôtô. Thường thì do rô-tơ mòn không đều hoặc dầu phanh bị cặn bẩn. Bạn nên mang xe đến các trung tâm sửa chữa để phanh hoạt động tốt hơn.

6. Má phanh mòn:

Dấu hiệu phanh có vấn đề

Hầu hết các dòng xe hiện nay đều được trang bị hệ thống phanh đĩa. Hệ thống này hoạt động qua cơ chế: một hệ thống thủy lực được bơm đầy dầu phanh sẽ tác động lên một bộ kẹp đệm được gọi là các caliper, giúp chúng siết chặt lại với nhau trên một đĩa gọi là rô-tơ. Ma sát được tạo ra giữa các miếng đệm và rô-tơ khiến cho xe dừng bánh. Sau một thời gian sử dụng, các miếng đệm này bắt đầu mòn dần do chịu ma sát. Từ đó khiến cho hệ thống phanh ôtô làm việc kém hiệu quả và xe sẽ dừng lại chậm hơn, tức là phanh kém “ăn”.

Bạn có thể tiến hành kiểm tra bằng cách quan sát giữa các chấu của bánh xe để phát hiện một rô-tơ kim loại sáng bóng bên trong. Má phanh nằm giữa các caliper và rô-tơ. Nếu má phanh mỏng hơn 1/4  inch (khoảng 6,35 mm), có nghĩa là chúng không còn đảm bảo an toàn và cần tiến hành thay thế.

Tổng hợp