Độ xe - Nghệ thuật hay chơi 'ngông'?

Admin
Để tạo cho mình một chiếc xe máy cá tính, không "đụng hàng", các bạn trẻ Hà Thành rộ lên phong trào độ xe, tìm đến các xưởng độ xe để làm vút nhọn đuôi xe, trang trí hình thù đặc sắc...

Tuy nhiên, không nhiều bạn trẻ biết được rằng, việc thay đổi màu sơn, kết cấu, kích thước… của những chiếc xe một cách quá mức cũng như không đảm bảo các thông số kỹ thuật sẽ vi phạm Luật Giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt. Đặc biệt, việc lưu thông các loại xe sau khi đã độ trên đường là nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Độ xe: Thú chơi cần tiền và công sức

Hà Nội hiện nay có nhiều xưởng độ xe nổi tiếng như Hoàng Mio (chuyên độ xe Mio ở số 23 - ngõ 1 Khâm Thiên; H-Racing ở đường Trường Chinh, chuyên độ xe dòng Yamaha và Nam RS tại 18 Phó Đức Chính.

Để tìm hiểu về thú độ xe, theo sự chỉ dẫn của dân chơi xe Hà Thành, chúng tôi đến 18 Phó Đức Chính, xưởng độ xe của Nam RS tên thật là Nguyễn Văn Nam.

Nam cho biết: Chế xe, độ xe không phải là việc biến những chiếc xe bình thường thành những chiếc xe gây phản cảm ngoài đường như tiếng bô to, còi rú inh ỏi… mà các cậu choai choai vẫn "dọa" người.

Chế xe, độ xe là cách nói dân dã, nôm na của việc thay đổi các chi tiết của xe khác với thiết kế ban đầu, tạo sự khác lạ cho chiếc xe. Đây là một thú chơi không dành cho những người ít tiền bởi chi phí để độ một chiếc xe có khi gấp 2, gấp 3 lần giá trị ban đầu của chiếc xe. Những người đến cửa hàng nhà Nam không hẳn là tầng lớp thanh niên, giới trẻ mà cũng có rất nhiều người trung niên. 

Nam cho biết: Có những chiếc xe độ để tham gia các cuộc thi, có những chiếc xe độ để dùng làm phương tiện hằng ngày, chính vì vậy mà mức độ "độ" cũng khác nhau. Có rất nhiều phong cách độ xe, tuy nhiên có 2 phong cách độ phổ biến nhất là độ dàn ngoài và độ máy.

Độ dàn ngoài tức là thay đổi những chi tiết của phần thân vỏ, tạo cho chiếc xe máy có ngoại hình khác lạ, bắt mắt hơn. Độ dàn ngoài được các tay chơi chuộng hơn như thay đổi màu xe, trang trí hoặc thay đổi tem xe.

Một trong những phong cách được các hiệu độ xe sử dụng trong trang trí xe máy chính là nghệ thuật Aribrushing, sử dụng bút phun sơn hoặc là mực để vẽ những bức tranh lên thân xe. Những bức tranh 3D sống động như thật một thời được các tay đi xe LX yêu chuộng.

Loại phụ tùng độ được sử dụng nhiều nhất là đĩa phanh với bán kính lớn và phuộc sau thể thao, cứng và dài hơn giảm xóc thông thường đẩy phần đuôi xe lên cao hơn. Ngoài ra, chủ xe có thể trang bị thêm hệ thống đèn pha xenon và bộ đèn gầm nổi bật khi đi ban đêm, các loại bô thể thao tạo tiếng nổ lạ tai.

Chỉ vào chiếc Wave RS, Nam cho biết: Chiếc xe này ban đầu chỉ mua với giá hơn 16 triệu, tuy nhiên sau khi độ, giá trị chiếc xe này đã lên gấp đôi. Từ chiếc phanh đĩa ban đầu chỉ khoảng mấy trăm nghìn đã được Nam thay thế bằng một chiếc phanh đĩa với những chiếc răng cưa hầm hố hơn 1 triệu đồng được nhập từ Thái Lan.

xe27.jpg
Chiếc xe Exciter “người nhện"

Trong góc xưởng chế xe của Nam RS là một chiếc Exciter "người nhện" đã được Nam độ với vỏ bọc bên ngoài là bộ quần áo người nhện. Giá chiếc xe này cũng phải gấp 3 lần giá gốc nhưng chỉ được sử dụng để dự thi.

Độ xe quá mức: Vi phạm pháp luật

Đã có một thời, Hà Nội rộ lên phong trào gắn còi ôtô vào xe máy gây ảnh hưởng đến trật tự đường phố, làm người tham gia giao thông hoảng loạn dễ gây tai nạn.

Hiện nay, Hà Nội cũng xuất hiện nhiều chiếc xe máy lưu thông có hình dáng kỳ dị với màu sắc bắt mắt cùng những chiếc bô kêu khá to phóng với tốc độ kinh hoàng. Những tay chơi "ngông" còn chế, độ xe cho phần đuôi xe nhọn vút cao, không có đèn hậu và biển số. Tuy nhiên, những tay chơi "ngông" đã biến chiếc xe thành một phương tiện không thể lưu hành hợp pháp.

Thành Nam, một tay độ xe tâm sự: "Không ít người vẫn đang nhìn nhận dân chơi độ xe là những người thích lạng lách, đánh võng, gây sự chú ý trên đường. Tuy nhiên, đối với mình, độ xe vừa là một thú chơi, vừa là nghệ thuật, đặc biệt là luôn tuân thủ pháp luật".

Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt: Trong Điều 48, Luật Giao thông đường bộ ghi rõ: Xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như: Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực, có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực, có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, có bánh lốp đúng kích cỡ và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe.

Điều 50 của Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cấu tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, căn cứ vào luật, các hành vi thay đổi kết cấu, hoạt động, đều bị cấm.

Chủ phương tiện có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn xe không đúng với giấy đăng ký xe. Nếu tự ý thay đổi số khung, số máy, hình dáng, kích thước của xe bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Ngoài việc phạt tiền như trên, chủ phương tiện vi phạm còn buộc phải khôi phục hình dáng, kích thước hoặc tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe. Đó là chưa kể đến việc thay đổi tem mác, nhãn hiệu xe còn vi phạm bản quyền của nhà sản xuất.

Độ xe cũng là một thú chơi đòi hỏi công sức, tiền bạc, nghệ thuật và lòng đam mê của người chơi. Nhiều người tìm đến độ xe để phát huy trí sáng tạo cũng như tham dự các cuộc thi. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng thú chơi độ xe để tạo ra những chiếc xe vi phạm pháp luật, đối với các trường hợp vi phạm, cần phải được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

autovina