Đèn tín hiệu giao thông có từ khi nào?

(Autovina) - Đèn tín hiệu giao thông đã có lịch sử cả trăm năm tuổi và trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông của bất cứ quốc gia nào.

Đèn tín hiệu giao thông đã trở nên quá quen thuộc với tất cả chúng ta và là một phần không thể thiếu để điều tiết trật tự giao thông trên đường phố. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về lịch sử của hệ thống đèn giao thông đầu tiên trên thế giới.

lịch sử đèn giao thông

Đèn giao thông đầu tiên được lắp tại góc phố East 105 và Euclid Avenue tại Cleveland thuộc bang Ohio (Mỹ) với hai màu xanh, đỏ và có thêm còi để báo hiệu với người tham gia giao thông về việc đèn chuẩn bị đổi màu.

Sự ra đời của đèn tín hiệu giao thông tại Luân Đôn:

Ý tưởng xây dựng đèn giao thông được bắt đầu vào những năm 1800 tại Anh, khi cần tới một hệ thống để kiểm soát lưu lượng giao thông bằng ngựa kéo đông đúc khi đó. Năm 1868, hệ thống tín hiệu giao thông đầu tiên được lắp tại đoạn giao nhau giữa George Street và Bridge Street, gần Quốc hội Anh. Hệ thống này có tác dụng đảm bảo việc qua đường an toàn cho khách bộ hành.

Hệ thống này sử dụng cơ chế “truyền tin thị giác” (semaphore) với một cột trụ cao và nhiều “cánh tay” chuyển động. Khi những “cánh tay” này được đặt ở vị trí ngang, có nghĩa là “Hãy dừng lại”. Khi tối trời, người ta thắp một ánh sáng bằng khí phía trên đỉnh của đèn. Và khi các ống kính ngả sang màu xanh, có nghĩa là “Được phép đi”, trong khi màu đỏ báo hiệu các phương tiện giao thông “Phải dừng lại”. 

Vào thời điểm đó, các tín hiệu được điều khiển bằng tay, đội ngũ nhân viên sẽ quyết định khi nào đèn tín hiệu đổi màu căn cứ vào lưu lượng giao thông. Và họ sẽ thổi còi để cảnh báo các lái xe rằng đèn giao thông đang chuẩn bị đổi màu.

Tuy nhiên, phương pháp này đã chứng minh độ không an toàn. Vào năm 1869, một đèn tín hiệu giao thông đã phát nổ sau khi xuất hiện rò rỉ tại một trong những đường ống khí bên dưới và làm nhân viên cảnh sát điều khiển đèn bị thương nghiêm trọng. Kết quả là người ta buộc phải dừng hệ thống đèn giao thông theo cơ chế semaphore tại Luân Đôn.

Lịch sử phát triển của hệ thống đèn giao thông tại Mỹ:

Tại Mỹ, hệ thống “truyền tin thị giác” (semaphore) tiếp tục được áp dụng với ngày càng nhiều xe ôtô, xe ngựa và xe tải lưu thông trên đường phố. Tuy nhiên, các nhân viên giao thông cũng nhận thấy hệ thống này rất khó để điều tiết tình trạng ách tắc giao thông. 

lịch sử đèn giao thông

Quảng trường Potsdamer Platz tại Berlin (Đức) năm 1925 với tháp đèn giao thông đặt chính giữa

Trong khi một vài thành phố bắt đầu lắp đặt các tháp đèn giao thông, cho phép nhân viên giao thông quan sát tốt hơn trật tự giao thông thì tại Utah, vào năm 1912, viên cảnh sát Lester Wire đã phát triển hệ thống đèn giao thông bằng điện đầu tiên trên thế giới với hai màu xanh và đỏ.

Hai năm sau, đèn tín hiệu bằng điện đầu tiên đã được lắp tại Cleveland. Hệ thống này dựa trên thiết kế của James Hoge và cho phép cảnh sát và nhân viên cứu hỏa kiểm soát các tín hiệu giao thông trong trường hợp xảy ra các tình huống khẩn cấp.

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông 4 hướng và đời sống hiện đại ngày nay:

Tại Detroit (Mỹ), một viên cảnh sát có tên là William Potts đã quyết định phải làm điều gì đó trước tình trạng ngày càng nhiều xe ôtô xuất hiện trên đường. Ông đã sử dụng các tín hiệu của ngành đường sắt để áp dụng trên đường bộ và phát triển hệ thống này với 3 màu: đỏ, hổ phách và xanh. Ông đã tạo ra hệ thống đèn giao thông 3 màu 4 hướng và nó được lắp tại các đại lộ Woodward và Michigan Avenue tại Detroit vào năm 1920. Một năm sau, đã có 15 hệ thống đèn giao thông tự động ra đời.

Trong vòng 10 năm tiếp sau đó, nhiều nhà phát minh đã liên tục tìm tòi những cách thức mới để điều khiển tín hiệu giao thông. Trong đó phải kể đến Charles Adler Jr với việc phát minh ra tín hiệu giao thông dò tìm còi xe, trong khi Henry A Haugh thì phát triển thiết bị dò tìm có khả năng cảm nhận áp lực của các phương tiện đi qua.

Hệ thống đèn giao thông bằng điện đầu tiên ra đời tại Anh được lắp tại rạp xiếc Piccadilly vào năm 1926. Chỉ 60 năm sau, đèn giao thông đã trở thành cảm hứng ra đời tác phẩm “Cây đèn giao thông” theo phong cách nghệ thuật sắp đặt và được đặt gần Canary Wharf, trung tâm thương mại tài chính lớn tại Luân Đôn. 

“Cây đèn giao thông” (Traffic Light Tree) là sản phẩm độc đáo của nhà điêu khắc người Pháp, Pierre Vivant, người đã truyền tải thông điệp: “Tác phẩm này mô phỏng cảnh quan thiên nhiên của London Plane Trees, một địa điểm liền kề, trong khi mô hình chuyển động của đèn tiết lộ và phản ánh nhịp điệu không bao giờ kết thúc của các hoạt động thương mại, tài chính xung quanh đó”.

Được biết hiện có khoảng hơn 25.000 hệ thống đèn tín hiệu giao thông đang được sử dụng tại Anh.

Bài & Ảnh: Ibtimes