Đến lượt doanh nghiệp sản xuất ôtô cầu cứu Chính phủ

Admin
Các nhà sản xuất ôtô vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn thực hiện Luật thuế Giá trị gia tăng chậm hơn 6 tháng so với kế hoạch, nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo đời sống người lao động.

Luật thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 quy định, dòng xe thương mại sẽ chịu mức thuế giá trị gia tăng là 10% thay cho mức 5% hiện hành. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe thương mại trong nước cho rằng khác với ôtô du lịch, dòng xe này chủ yếu để phục vụ sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hành khách công cộng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể… Do vậy, việc đồng nhất mức thuế 10% như vậy là không thực sự hợp lý.

Khi thuế tăng từ 5% lên 10% cũng đồng nghĩa với việc các hãng xe sản xuất và lắp ráp phải điều chỉnh giá bán cho phù hợp với tình hình. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường gặp khó khăn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất xe thương mại kiến nghị Chính phủ xem xét cho họ được tạm hoãn thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng đến ngày 1/7/2009, chậm hơn 6 tháng so với quy định.

Sản phẩm xe du lịch đầu tiên của Vinaxuki. Ảnh: T.N.

ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) cho hay, trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước nên từ tháng 7 đến nay thị trường ôtô thương mại trong nước bị sụt giảm nghiêm trọng. Doanh số bán hàng giảm tới 70% khiến cho doanh thu cũng giảm mạnh.

Hiện hãng đang nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng khoảng 825 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tính từ tháng 9 đến nay mỗi tháng công ty lỗ khoảng 7-8 tỷ đồng. Hiện các hãng xe đang thực hiện các chính sách giảm giá bán, khuyến mãi để kích cầu song trái với quy luật hằng năm, dù là giáp Tết nhưng thị trường ôtô vẫn ảm đạm. ông Dương dự đoán, lượng xe bán ra chắc chắn sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới.

Trường Hải đang tồn một lượng hàng hóa có tổng trị giá trên 1.500 tỷ đồng và nếu mọi việc suôn sẻ thì cũng phải mất khoảng hơn một năm để giải quyết số xe này. Hãng đang thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, thu hẹp sản xuất song vẫn không thoát khỏi khó khăn, 500 lao động đang trong tình trạng nghỉ chờ việc.

Tình hình cũng không khá hơn gì với các doanh nghiệp ôtô khác như Công ty cổ phần ôtô TMT, Công ty ôtô 1-5 với thực tế bán hàng chậm, hàng tồn chất đống trong kho, buộc phải cho công nhân nghỉ việc từ vài tháng nay.

Theo tính toán của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), hiện các doanh nghiệp ôtô trong nước còn tồn kho xe tải chưa tiêu thụ được là gần 30.000 xe. Mặc dù việc giảm giá để bán hàng đã được thực hiện nhưng tiêu thụ xe vẫn rất chậm. Vinaxuki cũng được xem là doanh nghiệp tồn kho ít nhất với gần 3.000 xe. Còn một số doanh nghiệp khác có lượng tồn kho lên tới cả chục nghìn xe.

“Vinaxuki đã giảm giá 3-6% tức là bán dưới giá thành mà tiêu thụ vẫn chậm. Sản lượng chỉ bằng 1/4 so với quý I và quý II năm 2008. Diễn biến này sẽ dẫn tới sự thua lỗ của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2008”, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki cho hay.

Trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhà nước có những biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp không tiến tới chỗ đóng cửa sản xuất, sa thải hàng loạt người lao động. “Chúng tôi rất mong Chính phủ xem xét hỗ trợ bằng cách kéo dài thời hạn áp dụng sắc thuế mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Huyên nói.

Bộ Tài chính đã nhận được văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp và đang cân nhắc phương án xử lý. Một quan chức của Bộ cho hay kể từ khi Chính phủ có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cơ quan này tiếp nhận rất nhiều hồ sơ xin miễn, giảm thuế. Trong đó có doanh nghiệp sản xuất ôtô, hãng Taxi và một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

"Chính vì thế chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ các quy định hiện hành, xin ý kiến các đơn vị liên quan để đảm bảo chính sách ưu đãi được minh bạch trên cơ sở hỗ trợ đúng đối tượng", ông nói.

autovina