Cuối năm, "đi chợ" xe máy cũ chùa Hà

Cuối năm, chợ xe máy cũ Chùa Hà, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội lại nhộn nhịp với nhiều chiêu mới mẻ và tinh vi để móc túi khách hàng trắng trợn.


Chiêu mới của “phù thủy”
 
Theo những thợ xe được mệnh danh là “phù thủy” có tiếng ở chợ xe Chùa Hà thì xe tay ga đang được khách chuộng và thịnh hành nên giá xe rất cao. Hơn nữa, tại chợ xe cũ này, xe tay ga cũ chỉ bằng một nửa thậm chí là một phần tư xe mới nên được nhiều người tìm đến vì khả năng tài chính hạn hẹp. Ngay như Hùng, một “phù thủy” có tiếng ở chợ Chùa Hà tiết lộ: “Thời điểm giáp tết này, xe số khó tiêu thụ, lãi ít, chỉ có xe ga là được dân chơi săn đón”. Cũng theo Hùng, người ta có thể thấy đủ loại phụ tùng xe tay ga từ hàng theo xe cho đến hàng loại 2, loại 3 được giới thiệu là hàng của Thái và cả hàng Trung Quốc. Cùng một mặt hàng dây curoa có đến 3 loại giá 200.000 đồng, 750.000 đồng và trên 1 triệu đồng. Thực hiện chu trình “luộc nấu” xe này mất khá nhiều công đoạn, nhưng lãi thu được cũng… khá chẳng kém.
 
Hàng trăm mánh khoé khác cũng được dân buôn xe thiên biến vạn hoá để móc túi người mua như đăng thông tin trên báo, lên mạng internet với danh nghĩa người tiêu dùng, cho phụ nữ đứng tên bán, dựng ở các địa điểm không phải nơi buôn bán xe. Xe mua về, chạy chưa hết tháng thì bắt đầu “trở chứng” với hàng loạt “bệnh” như đề không nổ máy, đang chạy tắt máy, máy nổ không còn êm. Khi những cò mồi ở chợ Chùa Hà mua được xe cũ là tháo rời những bộ phận còn xài được của một con xe quá nát để tận dụng làm phụ tùng thay cho những xe hư hỏng khác. Dần từ đó, “luộc” xe, tráo đồ mới lấy đồ cũ, lấy đồ dỏm cho xe máy, thao tác nhanh nhẹn, gọn gàng chỉ mất thời gian ngắn là những bộ phận chắp vá được bôi trơn, nổ máy được là đem ra bán còn không cần biết đến chất lượng.

Khốn khổ vì mê xe tay ga

Trần Huy Hoàn ở Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội, sợ dịp tết xe đắt nên tuần trước anh đã mua xe Spacy cũ ở chợ xe Chùa Hà với giá 68 triệu đồng, chiếc xe có hình thức như xe mới nhưng giá chỉ có bằng nửa hoặc 1/3. Xe đi chưa được tháng bắt đầu ngã bệnh, tróc sơn, xe liên tục phải thay cục nạp, máy nổ như máy cày. Lúc đó, anh Hoàn mang xe ra tiệm sửa xe Phạm Hùng sửa chữa thì được thợ sửa xe thông báo là xe của anh thuộc dạng “bình mới rượu cũ”, chiếc xe này có năm sản xuất là 1998 dạng hàng bãi được đăng ký ở Sài Gòn. Do người Hà Nội đang chuộng loại xe này, nên xe được chuyển từ Sài Gòn ra, kèm theo bộ hồ sơ gọi là xe rút hồ sơ đăng kí mới Hà Nội, được dân chợ xe sửa chữa, sơn tút, mông má lại là thành xe mới, giá xe thực của loại xe cũ này ở chợ Sài Gòn là khoảng 25-30 triệu/xe tuỳ chất lượng.
 
Không ít người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như anh Lê Văn Đăng, ngụ tại quận Hoàn Kiếm. Chiếc xe tay ga SH đời 2002 màu đen mà anh đã mua hồi tháng trước để chuẩn bị ăn tết tại một cửa hàng giữa chợ Chùa Hà với giá 6.500 USD (giá xe mới thời điểm này rất cao, trên 8.000 USD/xe). Xe mua về, chạy chưa hết tháng thì bắt đầu “trở chứng” với hàng loạt “bệnh” như đề không nổ máy, đang chạy tắt máy, máy nổ không còn êm. Anh Đăng tìm đến cửa hàng trong chợ thì cửa hàng này cho biết đã sang chủ mới, nên không biết ai bán cho anh chiếc xe này. Vẫn biết đây là chiêu trốn tránh trách nhiệm của nhiều kẻ buôn xe ở chợ trời nên anh Đăng đành mang xe ra điểm sửa chữa xe tay ga trên đường Cầu Giấy. Sau khi kiểm tra, thợ thông báo phụ tùng xe của anh đa số đều là hàng tân trang. Muốn thay lại hàng zin, sơ sơ cũng mất... 15 triệu đồng, không biết kêu ai anh đành ngậm ngùi đem xe về chờ vay tiền sẽ tính sau.
 
Bài học cảnh giác
 
Dịp cuối năm, nhiều người muốn tậu cho mình con xe tay ga để ăn tết nên vô tình đã sập bẫy của “phù thủy” chợ xe để rồi đến khi nó “chết đứng” khi đang chạy mới nhận ra là gặp đồ dỏm, đồ “luộc lại” mà không biết kêu ai. Theo như anh Nguyễn Văn Thọ, Đoàn luật sư Hà Nội, Văn phòng luật Gia Phạm trên phố Nguyễn Thái Học cho biết: “Khi người mua bị lừa, chiếu theo Bộ luật Hình sự quy định: Để cấu thành tội “lừa đảo” cần phải có 2 yếu tố là có hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Việc nâng đời xe để bán là có sự gian dối nhưng đây là quan hệ mua bán, tự thoả thuận, nên phần thiệt vẫn thuộc về người mua”. Cũng theo luật sư Thọ, các chủ cửa hàng khi bán xe tìm những mánh khóe giấu nhẹm bản thân, khi trở lại tìm thì anh ta chối bỏ trách nhiệm cũng không làm gì được. Nên trước khi mua xe nên bắt chủ xe có cam kết chất lượng cẩn thận, có người làm chứng để trường hợp bị lừa nhờ cơ quan chức năng xử lý.    

Theo SK&ĐS

lien