"Chẩn bệnh" mòn lốp xe

Svetlanapqg
Những nguyên nhân gây mòn lốp mà có thể bạn không biết hoặc không ngờ tới!
 
Mòn ở 2 vai hoặc phần giữa lốp
 
Nếu áp suất lốp quá thấp, các vai mòn nhanh hơn phần giữa. Sự quá tải cũng gây ra hậu quả như vậy. Nếu áp suất lốp quá cao, phần giữa mòn nhanh hơn các vai.
 
Mòn ở phía trong hay phía ngoài
 
Sự biến dạng hoặc độ rơ quá mức của các bộ phận của hệ thống treo ảnh hưởng đến độ chỉnh của bánh trước (ví dụ góc Camber bị sai) làm cho lốp mòn không bình thường.
 
Nếu một bên hoa lốp của lốp mòn nhanh hơn bên kia, nguyên nhân chính có thể là độ quặp của bánh xe không chính xác.
 
 
Mòn do độ chụm hoặc độ choãi của bánh trước
 
Nguyên nhân chính của hiện tượng mòn hình lông chim ở hoa lốp của lốp là do việc điều chỉnh sai độ chụm. Độ chụm quá mức buộc các lốp trượt ra ngoài và kéo bề mặt tiếp xúc của hoa lốp vào trong trên mặt đường, gây ra mòn do độ chụm.
 
Bề mặt có hình rõ rệt giống lông chim có thể xác định bằng cách cho một ngón tay vuốt qua hoa lốp từ trong ra ngoài lốp. Mặt khác, độ doãng quá mức cũng gây ra mòn.
 
Mòn mũi gót
 
Mòn mũi gót là mòn một phần, thường xuất hiện ở các lốp có kiểu hoa lốp vấu và khối. Các lốp có kiểu hoa lốp dạng gân khi mòn tạo thành các dạng giống như hình sóng.
 
Mòn mũi gót thường dễ xảy ra hơn khi bánh xe quay và không chịu lực dẫn động hoặc phanh. Do đó, kiểu mòn này thường xảy ra nhiều nhất ở các bánh không dẫn động hoặc không chịu lực dẫn động.
 
 
Sự mòn vết
 
Nếu các ổ bi bánh xe, các khớp cầu, các đầu thanh nối... có độ rơ quá mức, hoặc nếu trục bị cong, lốp sẽ bị đảo ở các điểm cụ thể khi nó quay ở tốc độ cao gây ra lực ma sát mạnh và độ trượt, cả hai tác động này đều dẫn đến sự mòn vết.
 
Một trống phanh bị biến dạng hoặc mòn không đều cũng dẫn đến sự mòn vết trên một khu vực tương đối rộng theo chiều chu vi.

 

Theo GTVT

bientap