Cao dưới 1m45 không được đi xe máy

Admin
Theo quy định mới của Bộ Y tế, người đủ điều kiện lái xe máy 50cm3 trở lên phải đạt chiều cao tối thiểu 1m45, cân nặng không dưới 40kg. Ngoài ra, người lái xe cũng phải đáp ứng những yêu cầu rất cụ thể về thị lực, thính lực...

ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mới ban hành đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông.

 

Quy định lần này bổ sung các tiêu chuẩn sức khỏe cho từng loại phương tiện như xe gắn máy, mô tô, ô tô, máy kéo... có tính đến lái xe chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.

 

Quy định chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 gồm lái xe hạng A2, C, D, E, F; nhóm 2 gồm hạng A3, A4, B1, B2; nhóm 3 gồm lái xe hạng A1.

 

Cụ thể, với người đi xe máy, quy định mới yêu cầu thị lực đảm bảo 7/10 trở lên (kể cả hỗ trợ của kính), chiều cao tối thiểu phải đạt 1,45m trở lên. Đối với người lái ôtô, chiều cao tối thiểu phải từ 1,50m trở lên. Những người cân nặng dưới 40kg cũng không được lái xe máy dung tính 50cm3. Với nhóm lái xe chuyên nghiệp, những người đã có bằng lái, cần khám tuyển lại yêu cầu chiều cao 1,60m trở lên, với những người tuyển mới, tối thiểu phải đạt 1,62m.

 

Những người có thính lực kém, như nghe tiếng nói thầm, 1 tai dưới 3m, tai kia dưới 1m hoặc mất sức nghe cũng không được đi xe máy.

 

Ngoài ra, quy định mới cũng nêu rõ, những người mắc chứng rối loạn tâm thần cấp/mạn tính; Động kinh; những người bị cơn đau thắt ngực không ổn định; Gù, vẹo hoặc quá ưỡn; Cứng/dính cột sống; Thoát vị đĩa đệm… cũng không đủ điều kiện được lái xe máy, ô tô…

 

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3.

 

Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô-tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô-tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

 

Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô-tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; ta-xi khách; xe ô-tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi.

 

Người đủ 25 tuổi trở lên được lái xe ô-tô chở người trên 30 chỗ ngồi; Tuổi tối đa của người lái xe ô-tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

 

Quy định này cũng yêu cầu người khuyết tật phải đáp ứng các điều kiện như trên mới được tham gia điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ngoài ra, người có hai chân lệch nhau 2,5-3cm không được lái xe chuyên nghiệp, cụt ngón 1-2 hoặc cụt cả bốn ngón/bàn tay không được điều khiển xe máy. Trên thực tế có người cụt cả bốn ngón vẫn lái xe máy, điều đó cực kỳ nguy hiểm cho bản thân và an toàn giao thông.

 

ông Tường cho biết thêm, mẫu giấy chứng nhận sức khỏe ban hành năm 2001, sử dụng chung cho cả người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển nên khá chung chung. Mẫu giấy chứng nhận sức khỏe mới được thiết kế chi tiết hơn, phân rõ trách nhiệm của các bác sĩ chuyên khoa, ghi rõ tên, họ của bác sĩ để họ chịu trách nhiệm về phần khám chuyên môn của mình. Mẫu mới sẽ giảm được tình trạng “mua” giấy khám sức khoẻ vì mẫu đơn rất chi tiết, cụ thể, đòi hỏi phải được khám thực thì mới có thể điền thông tin.

 

autovina