Các ông lớn ô tô và cuộc chiến bằng ngôn ngữ thiết kế

Admin
Thiết kế độc đáo, ấn tượng, cá tính… của các dòng xe được xem là vũ khí lợi hại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Mercedes-Benz

Mercedes hình thành ngôn ngữ thiết kế Sensual Purity (gợi cảm thuần khiết) với phong cách ưa chuộng đường cong và bóng bẩy ra mắt từ những năm 50 của thế kỉ 20 khi con người có xu hướng thích cuộc sống hưởng thụ và xa hoa.

Nhưng với áp lực của thời cuộc khi các hãng đối thủ không ngừng thay đổi ngôn ngữ thiết kế, Mercedes ra thiết kế mới Aesthetics A (thẩm mỹ A) qua kiểu xe nhỏ gọn. Mercedes-Benz sẽ áp dụng ngôn ngữ thiết kế này cho 8 dòng xe của các thế hệ tiếp theo A-Class và B-Class.

BMW

Lưới tản nhiệt hai phần, tròn, được gọi là lưới tản nhiệt hình quả thận được xem là biểu tượng của xe BMW vào năm 1933. Yếu tố thiết kế này đã là một vật cố định trong tất cả các dòng mô hình của thương hiệu kể từ năm 1935 cho đến nay.

Thêm vào đó, các đặc trưng về tỷ lệ của phần nhô, nắp ca-pô, ô hành khách phía sau, thiết kế cửa sổ, đèn hậu chữ L… đã tạo nên ngôn ngữ thiết kế riêng của hãng xe nổi tiếng này: thanh lịch và năng động.

Lexus

Từ năm 2006, Lexus bắt đầu công bố ngôn ngữ thiết kế mới với tên gọi là L-Finesse. Đến nay, đa phần các mẫu xe Lexus đều áp dụng ngôn ngữ thiết kế này.

L-finesse là sự kết hợp giữa thiết kế hiện đại và công nghệ tiên phong. L-finesse lấy 3 yếu tố làm chủ đạo và cũng là triết lý thiết kế: Seemless Anticipation (sự hài lòng vô biên), Intriguing Elegance (vẻ lịch lãm cuốn hút) và Incisive Simplicity (sắc sảo trong đơn giản).

Cả ba yếu tố này đại diện cho sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống Nhật Bản với các nguyên tắc tiếp thị đương đại của phương Tây. Điểm nhận diện của ngôn ngữ thiết kế của Lexus là lưới tản nhiệt hình con suối.

Mazda

Từ năm 2010, bắt nguồn từ triết lý Zoom Zoom, Mazda bắt tay vào nghiên cứu ngôn ngữ thiết kế mới với tên gọi Kodo. Cốt lõi của ngôn ngữ thiết kế Kodo là phải làm cho những chiếc xe Mazda trở nên tràn đầy sức sống, với triết ký “sự sống đã trú ngụ trong một chiếc hộp kim loại”, hãng xe Mazda gọi đó là Soul of Motion (linh hồn của chuyển động).

Với triết lý trên, ngôn ngữ thiết kế Kodo chú trọng kiểu dáng quyến rũ với những đường viền bóng mờ chạy dọc thân xe, kết hợp với hình ảnh của một vận động viên điền kinh chuẩn bị xuất phát, đường nét thể hiện cơ bắp đầy mạnh mẽ cùng với lưới tản nhiệt phía trước dạng 5 điểm đậm chất thể thao.

Mitsubishi Motors

Năm 2014, ông Tsunehiro Kunimoto, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất ô tô trở thành giám đốc thiết kế toàn cầu của Mitsubishi. Vị “thuyền trưởng” này đã tìm ra ngôn ngữ thiết kế mới cho Mitsubishi: Dynamic Shield.

Đặc trưng của ngôn ngữ này là chữ X ở phần đầu xe được tạo bằng những thanh nẹp mạ chrome – đại diện cho tính năng động; đuôi xe với những đường nét dập nổi “cơ bắp” để thể hiện sự mạnh mẽ, còn phần đầu bóp nhỏ dần gợi lên cảm giác bao bọc và bảo vệ an toàn cho chủ xe.

Ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield của Mitsubishi có thể coi là một điểm sáng khi nhanh chóng nắm bắt được tâm lý khách hàng. Tuân theo triết lý chủ đạo “Forms follow Functions” (Vẻ đẹp từ công năng), Dynamic Shield không chỉ đem đến diện mạo ấn tượng mà còn tạo hướng đi mới cho kinh doanh.

Giá trị ngôn ngữ thiết kế mới của Mitsubishi Motors đã làm thay đổi cả bộ mặt thương hiệu và doanh số. Có thể nói, chính thay đổi này đã vực dậy hãng xe đến từ nước Nhật.