Đằng sau bức ảnh củ khoai tây trị giá 1 triệu USD

Auto lien
(Autovina) - Bức ảnh khoai tây trên nền đen đã được nhiếp ảnh gia Kevin Abosch đem bán với giá 1 triệu USD

Kevin Abosch, nhiếp ảnh gia nổi tiếng từng chụp chân dung nhiều lãnh đạo công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ), kiếm bộn tiền nhờ tấm hình củ khoai tây trên nền đen.

bức ảnh khoai tây trị giá 1 triệu USD

Trong suốt sự nghiệp nhiếp ảnh, Abosch không gặp nhiều khó khăn khi nâng giá cho các tác phẩm của mình. Năm 2015, ông bán bức ảnh chụp củ khoai tây có tên Potato #345, chụp năm 2010, với giá 1 triệu euro (hơn 1 triệu USD).
 
Mức giá này khiến nhiều người sửng sốt. Không ít độc giả của trang Petapixel cho rằng bỏ ra cả triệu USD cho ảnh khoai tây là "quá vô lý và nực cười". Có người nhận xét: "Giờ tôi mới hiểu rằng bí quyết để trở thành một nhiếp ảnh gia thành công không phải là chụp ảnh đẹp mà là tìm được những khách hàng 'ngốc nghếch' với túi tiền thật to". 
 
Một độc giả khác đùa: "Ôi thật là bức ảnh củ khoai đẹp nhất thế giới mà tôi từng biết, chắc Peter Lik đang lục tung bếp nhà mình để chụp ảnh củ hành đẹp nhất thế giới rồi bán với giá 2 triệu USD đây". Peter Lik chính là tác giả của bức ảnh đắt giá nhất hành tinh: bức Phantom giá 6,5 triệu USD. Còn bức ảnh đắt thứ nhì thuộc về Rhein II của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky với giá 4,3 triệu USD. Cả ba tác phẩm trên đều gây ngạc nhiên và tranh cãi vì nhiều người không hiểu tại sao chúng lại "khủng" đến thế. 
 
bức ảnh khoai tây trị giá 1 triệu USD
 
Chân dung nhiếp ảnh gia Kevin Abosch và bức ảnh khoai tây trên nền đen trị giá 1 triệu USD (ảnh: internet)
 
Theo Business Insider, Potato #345 được trả giá cao vì đó là tác phẩm của Kevin Abosch. Abosch đã gặp gỡ rất nhiều nhân vật tiếng tăm của làng công nghệ như Eric Schmidt, Chủ tịch Google, Sheryl Sandberg, COO của Facebook hay Jack Dorsey của Twitter. Nhưng ông không phải người điều hành công ty công nghệ đình đám nào đó mà là một nhiếp ảnh gia.
 
Ông cũng không hề học về nghệ thuật. Ông từng là nhà sinh học mê công nghệ và biết các ngôn ngữ lập trình như Python, thậm chí là nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin OneOne.
 
Abosch thích chụp ảnh và bắt đầu có bước đột phá vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, hãng CBS Records cần một nhiếp ảnh gia chụp hình sản phẩm và Abosch liền đăng ký. Khi SBS hỏi về kinh nghiệm làm việc, ông rút ra 8 bức ảnh yêu thích và đàm phán mức thù lao lên tới 2.500 USD cho nửa ngày làm việc. Hiện Abosch sống ở cả Ireland và Boston (Mỹ).
  
Ông nổi tiếng nhờ có thể chụp chỉ trong vòng vài giây những bức chân dung đẹp mắt (đa số trên nền đen) cho các chuyên gia công nghệ và giới nghệ sĩ vốn rất bận rộn. Zach Sims, CEO Codecademy, cho biết sau khi bấm máy hai lần, Abosch nói ông đã có tấm hình mình cần. Và quả thật, đó là bức ảnh ưng ý nhất mà Sims sử dụng trong đa số các hồ sơ.
 
Những tấm chân dung trên nền đen của Abosch đã trở thành biểu tượng quyền lực trong giới doanh nhân công nghệ và giải trí. Chúng có giá từ 150.000 USD và tăng lên 500.000 USD nếu dùng vào mục đích thương mại.
 
Theo Bizlive