Áp lực từ những chiếc lốp ôtô bỏ đi

Admin
Riêng tại Mỹ, mỗi năm có 246 triệu chiếc lốp xe trở thành rác thải, gây áp lực lên ngành công nghiệp tái chế và môi trường tự nhiên.

Mỗi năm, hãng lốp Michelin quy tụ những bộ óc thông minh nhất trong ngành giao thông vận tải tới hội nghị có tên Movin'On chuyên về các giải pháp di chuyển bền vững. Tại sự kiện năm nay, các kỹ sư ở Michelin giới thiệu một kế hoạch sản xuất lốp xe mới với 80% là vật liệu có thể tái tạo như gỗ, rơm hoặc củ cải đường, theo Popular Mechanics.

Trên thế giới không thiếu những nghĩa địa lốp xe như trong ảnh - nơi được ví là "biển" lốp ở Sulaibiya, Kuwait. Ảnh: ExclusivePix.

Tại sao Michelin chi hơn 800 triệu USD mỗi năm cho việc nghiên cứu để có thể làm ra những loại lốp từ rau củ? Đó là bởi lốp xe hiện đại là một ngành kinh doanh gây ra nhiều chất bẩn. Hàng năm, chỉ riêng tại Mỹ, xe hơi thải ra 246 triệu chiếc lốp bỏ đi. Làm thế nào để giảm con số đáng kinh ngạc này là một thách thức đầy áp lực khi những chiếc lốp bỏ đi tạo ra hẳn một ngành công nghiệp dành riêng cho việc tái chế.

Vậy trong một chiếc lốp có những gì?

Lốp xe thường làm từ 19% là cao su tự nhiên (lấy từ cây cao su trồng ở khu vực Đông Nam Á), 38% là cao su tổng hợp (butadien, styrene, cao su halobutyl) và các chất phụ gia nhằm ngăn ngừa tác động từ khí ozone và oxy, và giúp đẩy mạnh quá trình lưu hóa.

Ngoài ra là 4% đai vải polyme tổng hợp (nylon, tơ nhân tạo và aramit) để gia cố, 12% dây kim loại (thép nhiều carbon) để gia cố thêm và 26% chất trám trét (carbon đen, ôxit silic).

Những chiếc lốp thải loại tạo ra cả một ngành công nghiệp tái chế lốp. Ảnh: Comet.

Những chiếc lốp "chết" sẽ đi đâu?

26% bị nghiền nát để làm nhựa đường và chất cách nhiệt. 11% được đổ thẳng vào các bãi rác thải, nơi lốp xe mất hàng trăm năm để phân hủy.

Chỉ 7% được pha trộn để làm nền đường, barie, tường bao để trồng cây và những tác dụng phục vụ dân sinh khác. 7% nữa được tái chế để làm những thứ như sân chơi và xích đu.

Cuối cùng là 49% được đốt cháy làm nhiên liệu. Lốp cao su có nhiều năng lượng hơn than đá nhưng, cũng giống bất cứ loại nhiên liệu rắn nào, lốp xe còn thải ra chất bẩn và buộc phải có thêm năng lượng để làm sạch.

Lốp xe tương lai sẽ thế nào?

Ngoài việc sản xuất lốp từ các loại vật liệu tái tạo hay tái chế, Michelin từng giới thiệu loại lốp concept in 3D có thể tái tạo, có thể phân hủy và không hơi. Năm 2011, Bridgestone mang tới Tokyo Auto Show công nghệ làm lốp với mục đích ngăn hiện tượng xẹp hơi. Cấu tạo của bánh xe có thể được chia làm 3 phần: vành 9 inch, nan hoa làm từ nhựa dẻo, và lớp tiếp xúc cao su bên ngoài. Vì không sử dụng khí nén nên sẽ không bị xẹp. Điều ấn tượng trong công nghệ này là toàn bộ lốp đều được làm từ vật liệu tái chế.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng từng công bố loại lốp xe siêu đàn hồi không phải bằng cao su mà được làm từ hợp kim nhớ hình, có khả năng biến đổi về hình dạng ban đầu sau khi bị làm biến dạng./

Theo VnExpress