Ðẳng cấp xe ‘độc’ Sài thành

Admin
Nhắc tới độ xe, người ta dễ ác cảm với những chiếc xe máy được đôn dên, xoáy nòng trước kia hoặc xe gắn còi hơi ầm ĩ, đèn gây chóa mắt người đối diện. Đó là mặt trái của việc độ xe. Còn thực tế, có những chiếc xe qua bàn tay nghệ nhân trở nên đẹp vô cùng…
Nhờ giá trị cao nên vàng, kim cương thường được giới nhà giàu dùng để minh họa cho sự sang trọng của mình. Đồng hồ mạ vàng, điện thoại nạm kim cương… đương nhiên là rất quý, nhưng nói đến một chiếc xe Mercedes độc bản được chế tác bằng những nguyên liệu vàng, kim cương, da cá sấu thì chắc có lẽ ít ai được thấy.
Công phu tạo nên chiếc xe không đụng hàng
 
Anh Dương Trần Quang Minh, CEO Công ty TNHH Tập đoàn TMDV ô tô Đại Hoàng Kim, đã có 12 năm kinh nghiệm trong nghề chế tác vàng, đá quý. Mạ những món nhỏ như đồng hồ, điện thoại hoài cũng chán, lại mê ô tô chẳng kém gì mê… vàng, anh Minh quyết định “chơi lớn” (theo cả nghĩa đen lẫn bóng): nạm vàng cho ô tô. “Tôi muốn biến những chiếc xe trong tưởng tượng của khách hàng trở thành hiện thực. Cái cảm giác ngồi lên chính chiếc xe mà từng đường nét đều phù hợp với sở thích của mình “đã” lắm” - anh Minh chia sẻ về quyết định thành lập Câu lạc bộ Ô Tô Độc Bản của mình.
Nhưng độ một chiếc ô tô không đơn giản chút nào, không chỉ khéo tay là có thể làm được. Khách hàng của anh chắc chắn phải là người mê ô tô, thích vàng, đá quý, còn tiền bạc thì… vô tư. Họ chỉ cần biết rằng chiếc xe khi hoàn thành phải xứng với con người họ, từng chi tiết phải đúng với sở thích của họ. Làm được thế là thợ giỏi, ngược lại thì đẹp mấy cũng… vứt!
 
Chính vì vậy, khâu đầu tiên là trò chuyện với khách hàng nghiễm nhiên trở thành quan trọng nhất. Qua cuộc nói chuyện, nhóm tư vấn phải hiểu được cá tính của khách hàng, để dựa trên những yêu cầu cơ bản của họ là có thể phác họa những ý tưởng thiết kế chỉ phù hợp riêng cho người đó. Vì sao phải có cả đội ngũ E.A.C (Exclusive Auto Club) bắt tay vào thiết kế? “Vì mỗi mảng vật liệu cần một sự hiểu biết chuyên sâu khác nhau, như da kết hợp với vàng sẽ khác kết hợp với kim cương. Vải, lụa hay gỗ cũng vậy. Nắm được ý khách hàng rồi, bắt buộc mỗi cá nhân phụ trách vật liệu phải đưa ra ý tưởng đặc sắc nhất. Chứ nếu cứ rập khuôn công thức thì sản phẩm tạo ra không còn yếu tố độc, lạ, không đụng hàng nữa” - anh Minh giải thích.
 
Đáng chú ý, anh Minh lựa chọn chỉ đánh vào thương hiệu Mercedes, bởi dòng xe này thường dành cho những người thành công, lại có thiết kế nội thất khá độc đáo. Yêu cầu đầu tiên để anh Minh nhận lời chế tác là chiếc xe phải hoàn toàn mới, nghĩa là toàn bộ nội thất, động cơ đều 100%. Nếu chiếc xe đã lăn bánh ngoài đường vài chục km thì phải có cuộc kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng để đảm bảo xe chưa đâm đụng, bị thủy kích... Còn xe đã chạy lâu thì giá nào anh cũng không làm.
 
Tự sản xuất xe đua địa hình
Có xe rồi, nhóm thực hiện bắt đầu bước vào giai đoạn cực nhọc nhưng đầy hứng khởi, đam mê. Mỗi chiếc xe được làm trong khoảng thời gian từ ba đến bảy tháng, từ khi bắt đầu lên ý tưởng cho tới khi hoàn thành những chi tiết nhỏ nhất. Để hoàn thành một sản phẩm độc bản, anh Minh phải liên kết, đặt hàng nhiều hãng trên thế giới. Như đối tác Đức chuyên về vàng, phụ liệu da; Anh chuyên may đo, ra rập; Ba Lan về da; Hungary chuyên thổ cẩm; Bangladesh chuyên về lụa, tơ tằm; Estonia chuyên về men sứ,…
 
“Khi đụng tay vào chiếc nắm cửa bằng crôm đã được thay bằng vàng, hay nhìn thấy mặt táp lô xuất hiện những viên kim cương lấp lánh, tôi rất hài lòng. Người sở hữu xe Mercedes không ít, nhưng chỉ xe của tôi mới có những chi tiết được làm theo sở thích của tôi” - chị PL, một khách hàng của anh Minh, nói với giọng mãn nguyện khi nhận xe.
 
Nhưng làm gì thì làm, nhóm chế tác tuyệt đối không làm thay đổi kết cấu hoặc chạm tới những bộ phận bảo đảm độ an toàn của xe. “Lâu nay nhiều người hiểu sai dẫn tới ác cảm với những chiếc xe độ và người độ xe. Thực chất, những chi tiết người thợ chạm vào đều mang yếu tố trang trí và chỉ nhằm mục đích làm chiếc xe trở nên sang trọng, độc đáo, tinh tế hơn và đặc biệt là không giống bất kỳ chiếc xe nào trong cùng dòng, cùng đời” - anh Minh nói.
 
Anh Minh cũng khẳng định không bao giờ cổ vũ cho những bản xe độ vi phạm pháp luật. Độ còi to hơn, đèn xe chói hơn, thay đổi kích thước mâm bánh xe… đều là những hành vi bị cấm nên công ty anh không bao giờ làm.
Tự sản xuất xe đua địa hình
 
Cũng với mong muốn tạo ra những chiếc xe thể hiện phong cách độc đáo của khách hàng, nhưng anh Vũ Ngọc Cường (Giám đốc Trung tâm phụ kiện & chăm sóc xe - A.B.O) lại chọn con đường riêng. Chiếc xe mà anh tạo ra không phải là xe thương mại thông thường mà nó được tạo lên từ “sắt vụn”. Có nghĩa là tự đóng tự làm, không có trên thị trường.
 
“Tôi phải đi mua từng bộ phận, kết cấu của xe để gia công lại, tạo nên những nét độc đáo riêng. Những chiếc xe tôi tạo ra không được lăn bánh trên đường, mà nó chỉ phục vụ cho những cuộc đua địa hình dành cho người đam mê mạo hiểm” - anh Cường nói.
 
Mất một năm anh Cường mới sản xuất xong một chiếc xe Vollujeep với các bộ phận chủ yếu được đặt từ Mỹ, Úc. Ví dụ, cặp dẫn động dưới cầu của xe Volvoll anh phải đặt từ Malaysia, vì ở thị trường này thường có những xe có khoảng sáng gầm cao. Tiếp đến, bộ phuộc phải nhập về từ Mỹ, bộ động cơ và hộp số lấy từ xe Lexus 2008 máy xăng, thùng là xe Jeep Wrangler. Ngoài ra, có một số bộ phận nội thất cũng nhập từ Mỹ. Chỉ có phần nội thất cơ bản và hệ thống điện thì được sản xuất tại Việt Nam. Riêng với động cơ, anh đã phải kỳ công hơn khi mời chuyên gia từ Mỹ về để nâng cấp lên công suất cao hơn, đảm bảo cho chiếc xe có đủ “trình” để đua trong môi trường khắc nghiệt.
 
Khách hàng của anh Cường là những người đặc biệt: đam mê, thích chơi xe địa hình và có kiến thức trong lĩnh vực này. Khi xem những giải đua xe nước ngoài, họ đến tìm anh nêu ý tưởng, đặt hàng sản xuất những chiếc xe phù hợp với riêng họ. Chỉ người chuyên nghiệp mới đủ khả năng sở hữu những chiếc xe đua chuyên nghiệp! Cho nên, để sản xuất một chiếc xe đến từ đam mê sẽ khác với những xe bản thương mại thông thường.
 
Trước khi đưa vào đua, chiếc xe sẽ phải trải qua khâu kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Tại Việt Nam có sàn Dynojet, quận 9, TP.HCM chuyên kiểm tra mọi chi tiết, ngóc ngách của các “chiến binh xe”. Chiếc xe còn bị hành xác thử trên đường đua để biết được dàn gầm, hệ thống treo của xe có đảm bảo được những áp lực trong cuộc đua. Khi đáp ứng đủ điều kiện, chiếc xe mới có thể sẵn sàng thi đấu.
 
 So với thế giới, Việt Nam đã đi sau rất nhiều năm trong lĩnh vực này. Đua xe địa hình chỉ nhen nhóm vào nước ta vào khoảng năm 2007. Đến năm 2012, người chơi mới bắt đầu đầu tư ở mức cơ bản. Cho đến tận năm 2014, người chơi xe mới đầu tư mạnh và đến nay nó đã trở thành một bộ môn thể thao chơi theo mô hình của nước ngoài.
 
“Việc đầu tư từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng cho một chiếc xe đua địa hình không phải quá sức đối với giới đam mê. Do có thu nhập riêng nên tôi sản xuất một chiếc xe đua không vì mục đích lợi nhuận, mà vì nó là niềm tự hào của tôi” - quái nhân Vũ Ngọc Cường cười nói.