Akio Toyoda - người định đoạt tương lai Toyota (phần cuối)

Admin
Vị Tổng giám đốc 52 tuổi sẽ phải khắc phục những sai lầm nghiêm trọng mà người tiền nhiệm để lại. Và có thể, hệ thống nhân sự cấp cao toàn người Nhật đặc trưng của Toyota sẽ bị phá vỡ dưới tay ông.

Dù ở trên cương vị Tổng giám đốc và tôn trọng truyền thống của tập đoàn, Akio Toyoda vẫn luôn muốn là chính mình. "Tôi sẽ không lệ thuộc vào quá khứ". Bước đi đầu tiên chứng tỏ điều đó là việc chỉ định ban Tổng giám đốc mới. Một trong những ứng cử viên có thể là Yoshi Inaba, cựu giám đốc Toyota Bắc Mỹ. Inaba từng dìu dắt Toyoda trở thành nhân vật quen thuộc với các lãnh đạo Toyota Mỹ. ông cũng từng là ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng giám đốc nhưng rời bỏ Toyota sau khi thua Watanabe.

Toyoda cũng được hy vọng sẽ ghé thăm cha mình để xin ý kiến, dù Shoichiro Toyoda có thể sẽ rời hội đồng quản trị sau khi con trai ông nhậm chức. Mối quan hệ giữa hai cha con không phải lúc nào cũng dễ dàng. Akio Toyoda, con trai độc nhất của Shoichiro Toyoda, chủ tịch Toyota từ 1982 đến 1992, không hề tỏ ý muốn gia nhập tập đoàn cho đến khi anh 28 tuổi. Toyoda cũng thừa nhận trong một buổi phỏng vấn tại tổng hành dinh của tập đoàn, rằng ông có mối quan hệ phức tạp với người vừa là cha, vừa là người giám sát ông tại Toyota.

Akio Toyoda
Akio Toyoda (giữa) cùng người tiền nhiệm Katsuaki Watanabe (trái) và Chủ tịch Fujio Cho trong buổi họp báo ngày 20/1. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, theo các lãnh đạo cấp cao khác nhận xét, "Toyoda cha" tin rằng đây là thời điểm thích hợp để con trai nắm quyền với hai lý do: ông đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt để có thể đưa ra những lời khuyên cho con trai. Bản thân ông cũng muốn Akio dẫn dắt tập đoàn qua thời kỳ suy thoái, nhờ đó có thêm nhiều kinh nghiệm.

Toyota được điều hành bởi hệ thống các triết lý tạo nên cái gọi là “Phương thức Toyota”, tập trung vào phương pháp điều hành thống nhất, phát triển sản xuất liên tục và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thay đổi chiến lược.

Từ nền tảng đó, Toyota bắt tay mở rộng quy mô ra toàn thế giới trong một thập kỷ qua. Hai vị chủ tịch tiền nhiệm của Watanabe đã đưa tập đoàn lên vị trí số một thế giới, soán ngôi GM. Đến phiên mình, Watanabe tiếp tục mở thêm các nhà máy ở Texas, Ontario và bắt đầu xây dựng nhà máy tại Mississippi.

Các nhà bình luận cho rằng ông Watanabe đã đánh giá sai về suy thoái kinh tế, và việc xây dựng nhà máy tại Mississppi là không nên. Về phần mình, Watanabe vẫn khẳng định xây nhà máy sản xuất Prius này là hoàn toàn hợp lý. ông tin thị trường Mỹ sẽ hồi phục.

Mặc dù Toyota bị hạ định mức tín nhiệm nợ, các chuyên gia vẫn tin tập đoàn có thể đứng vững từ một đến hai năm, nếu lượng tiền mặt duy trì ở con số hiện tại, vào khoảng 55 tỷ USD. “Toyota có thể tự hào về sức cạnh tranh mạnh mẽ của mình so với các đối thủ trên thế giới”, Osamu Kobayashi, nhà phân tích nhận định. “Chúng tôi nhìn thấy Toyota có vị thế tốt hơn các tập đoàn khác”.

Tính cách cởi mở và trẻ trung của Akio được kỳ vọng sẽ mang làn gió mới đến với Toyota. Ảnh: Edmunds.
Tính cách cởi mở và trẻ trung của Akio được kỳ vọng sẽ mang làn gió mới đến với Toyota. Ảnh: Edmunds.

Trong suốt nhiệm kỳ của Watanabe, Toyota đã ghi nhận nhiều năm thành công liên tục, mới đây nhất là khoản lãi 18,8 tỷ USD trong năm 2007. Vào thời gian đó, Toyota có tổng vốn theo giá thị trường lên đến 200 tỷ USD. Hiện tại giá trị của tập đoàn chỉ còn một nửa nhưng vẫn khiến cho các nhà sản xuất ôtô ở Detroit, Mỹ phải ghen tị.

Một nỗ lực khác của Watanabe là giúp Toyota điều hành mọi thứ một cách dễ dàng. ông đã điều chỉnh lại hệ thống kiểm soát chất lượng sau vụ thu hồi một lượng lớn xe, tổ chức lại dây chuyền kỹ thuật để thiết kế những chiếc xe cạnh tranh trên thị trường quốc tế thay vì chỉ hướng đến người tiêu dùng nội địa.

Vị Tổng giám đốc 67 tuổi này còn lập ra 11 trung tâm nghiên cứu và phát triển khắp thế giới, trong đó có trung tâm tại Ann Arbor. “Đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu dựa trên lợi ích trung và dài hạn thay vì mục tiêu trước mắt”, ông nói. “Công nghệ, bao gồm thiết kế và phát triển sản xuất, là cần thiết cho sự lớn mạnh của Toyota”.

Đến phiên mình, vị tân Tổng giám đốc Aiko Toyoda còn có thêm một thử thách quan trọng nữa, đó là việc mở cửa tầng lãnh đạo cấp cao cho người ngoài.

Dù phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, Toyota vẫn giữ chế độ lãnh đạo tập trung tại Nhật với các giám đốc người Nhật. Hai người Mỹ đầu tiên có vị trí cao trong 10 năm qua, James E. Press và Gary L. Convis, đã bỏ tập đoàn để làm lãnh đạo công ty khác. Press làm cho Chrysler và Convis đầu quân ở Dana Holding, một nhà cung cấp linh kiện ôtô.

Giáo sư Liker cho rằng, sẽ có nhiều thay đổi khi Toyoda lên nắm quyền. ông tin Toyoda mang tới cho tập đoàn một cách nhìn quốc tế hóa hơn so với thời Watanabe, người chưa hề làm việc bên ngoài nước Nhật cho đến khi nhậm chức. Thậm chí Watanabe cũng thực hiện tương đối ít các cuộc công du khi tại vị.

Nhiều người kỳ vọng ở vị Tổng giám đốc mới một tác phong làm việc năng động, táo bạo và cởi mở. Tiếp quản tập đoàn vào thời điểm bóng đen khủng hoảng kinh tế đang bao phủ toàn cầu, nhìn một cách tích cực sẽ là cơ hội để ông khẳng định tài năng bản thân và đặt nền móng vững chắc cho gia tộc Toyoda.

Phần 1.

autovina